Chứng quyền: "Món ăn" mới cho nhà đầu tư Việt dám chấp nhận rủi ro
Chứng quyền nói nôm na giống như một "món ăn" của những nhà đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro khi tỷ lệ dùng đòn bẩy tài chính có thể lên tới 10 lần
Theo dự kiến, ngày 28/6/2019, chứng quyền có bảo đảm sẽ được niêm yết và đưa vào giao dịch trên sàn HOSE.
Chứng quyền có bảo đảm (CW) là một sản phẩm tài chính phổ biến trên thế giới, thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch, đặc biệt là tại các thị trường châu Á như Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc...
Tại Việt Nam, khi CW chính thức đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Công ty chứng khoán dè dặt thí điểm
Song cuộc chơi này không phải sản phẩm dành cho tất cả, không phải cổ phiếu nào cũng được lựa chọn để phát hành chứng quyền. Cụ thể, mỗi công ty chứng khoán lại lựa chọn một rổ cổ phiếu nhất định tuỳ vào khẩu vị, nhận định về tiềm năng phát triển của chứng quyền. Bởi mục tiêu của việc sử dụng CW là để tìm kiếm và gia tăng lợi nhuận đầu tư, hay phòng ngừa rủi ro biến động giá tài sản cơ sở.
Theo công bố mới nhất của HOSE, có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm chứng quyền gồm: CII, CTD, DHG, DPM, EIB, FPT, GMD, HDB, HPG, MBB, MSN, MWG, NVL, PNJ, REE, ROS, SBT, SSI, STB, TCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VPB, VRE.
Điều kiện để các mã cổ phiếu đạt tiêu chuẩn để là chứng khoán cơ sở cho phát hành chứng quyền đó là phải có vốn hoá trên 5.000 tỷ, giá trị giao dịch 25% free float và không có lỗ luỹ kế.
Mặc dù danh sách cổ phiếu đủ điều kiện khá lớn nhưng trong giai đoạn đầu, các công ty chứng khoán lựa chọn khá ít cổ phiếu để phát hành chứng quyền.
Hiện có 8 công ty chứng khoán đã công bố sẵn sàng cho hoạt động chứng quyền là Công ty Chứng khoán VNDirect (VND), Chứng khoán MB (MBS), Công ty chứng khoán BIDV (BSC), Công ty Chứng khoán SSI (SSI), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán Tp. HCM (HSC), Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, Công ty Chứng khoán VPBank (VPS).
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) sẽ phát hành 6 loại chứng quyền đảm bảo với 4 mã chứng khoán là FPT, MWG, MBB, HPG, kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng.
Cụ thể, CW đối với FPT và HPG sẽ có 2 kỳ hạn là 3 tháng và 6 tháng với khối lượng mỗi loại là 1 triệu đơn vị, với MBB là 3 tháng với khối lượng dự kiến là 3 triệu đơn vị, còn với MWG là 6 tháng với 1 triệu đơn vị.
Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) dự kiến phát hành chứng quyền cho 2 mã cổ phiếu là FPT và MWG. Theo VND đây là các công ty đầu ngành có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản cao nên rủi ro bị thao túng giá cổ phiếu là thấp và VND có thể dễ dàng mua các cổ phiếu cơ sở này để phòng ngừa rủi ro đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư khi chứng quyền đáo hạn.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán MB (MBS) lại dự kiến phát hành chứng quyền cho HPG, PNJ. Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) dự kiến phát hành chứng quyền cho MBB và MWG...
MBB, MWG, FPT là những mã cổ phiếu được các công ty chứng khoán lựa chọn nhiều nhất trong đợt phát hành chứng quyền đầu tiên. Các cổ phiếu này đều có tỷ lệ free float lớn, công ty tiềm năng và có dư địa tăng giá, biên độ biến động thấp nên nhà đầu tư yên tâm hơn khi giao dịch chứng quyền.
Thị trường tiềm năng, nhưng các công ty chứng khoán mới ở giai đoạn thử nghiệm bởi quy định khá chặt chẽ của hoạt động chứng quyền. Cụ thể, theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, để đảm bảo khả năng thanh toán, trước khi phát hành chứng quyền, Công ty chứng khoán cần phải ký quỹ tài sản đảm bảo thanh toán (tiền, chứng chỉ tiền gửi hoặc có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký) tại ngân hàng lưu ký trong suốt thời gian có hiệu lực của chứng quyền, với giá trị ký quỹ tối thiểu là 50% giá trị đợt chào bán.
Đồng thời, để phòng vệ rủi ro cho chính tổ chức phát hành, công ty chứng khoán cũng sẽ cần mua vào lượng cổ phiếu cơ sở tối thiểu là 50% tổng giá trị CW phát hành, dưới sự giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Dùng đòn bẩy tài chính quá lớn: lợi nhuận đi cùng rủi ro cao
Ở sản phẩm chứng quyền, nhà đầu tư được sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao. Đây cũng chính là "con dao hai lưỡi" với nhà đầu tư. Tuy nhiên, kênh đầu tư nào cũng vậy, lợi nhuận lớn luôn song hành với rủi ro cao. Do đó, chứng quyền nói nôm na ra giống như một "món ăn" của những nhà đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro.
Giá của một chứng quyền thường nhỏ hơn rất nhiều lần so với chứng khoán cơ sở. Tuy nhiên, giá trị nội tại của chứng quyền sẽ thay đổi gần như tương ứng so với mức biến động của chứng khoán cơ sở.
Do đó, khi giá cổ phiếu biến động đúng với nhận định của nhà đầu tư, chứng quyền có thể làm gia tăng cao tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư. Hiệu ứng đòn bẩy mang đến là rủi ro tăng tỷ lệ lỗ cho nhà đầu tư chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều so với dự đoán ban đầu.
Chẳng hạn, với MBB giá cổ phiếu cơ sở khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ chuyển đổi 1:1, trong khi đó giá chứng quyền khoảng 2.000 đồng, trong kỳ hạn 3 tháng. Công thức tính đòn bẩy vốn trong chứng quyền là đòn bẩy vốn = giá trị thay đổi của giá chứng quyền ứng với một thay đổi trong giá cơ sở - (giá chứng khoán cơ sở/(giá chứng quyền x tỷ lệ chuyển đổi).
Như vậy, tính đòn bẩy của chứng quyền MBB lên tới 8%, cổ phiếu cơ sở MBB chỉ cần biến động 1% thì chứng quyền MBB sẽ biến động 8%, cao gấp 8 lần so với biến động giá cơ sở.
Trong trường hợp MBB giảm giá 3% trong kỳ hạn chứng quyền 3 tháng, thì nhà đầu tư chứng quyền có thể mất 24% và ngược lại. Thị trường chứng quyền cũng tiềm ẩn nguy cơ thao túng cổ phiếu, làm giá gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Trong cuộc hội thảo về chứng quyền mới đây, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Chiến lược thị trường VND cho biết, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đi vào hoạt động sẽ mang đến một kênh đầu tư mới với tỷ lệ đòn bẩy cao, tỷ suất sinh lời cao, vốn đầu tư thấp chỉ bằng 7% - 15% giá chứng khoán cơ sở.
Bên cạnh đó, phương thức thanh toán chênh lệch bằng tiền khi chứng quyền đáo hạn tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư gián tiếp và tăng cường vị thế tại các cổ phiếu đã hết room.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, sản phẩm chứng quyền cũng có nhiều rủi ro như vòng đời giới hạn, có thể mất toàn bộ vốn đầu tư ban đầu nếu như đáo hạn giá thanh toán chứng quyền nhỏ hơn giá thực hiện.
Trong bối cảnh thị trường tiếp tục tăng trưởng, với tỷ lệ đòn bẩy trên 10 lần, ông Dũng cho rằng, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm dự kiến sẽ tạo sức hút lớn với nhiều nhà đầu tư.