08:19 30/12/2023

Chuyên gia nói gì về việc nhập khẩu vàng miếng để bình ổn thị trường?

Hoàng Lan

Trao đổi với phóng viên VnEconomy, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc hy sinh ngoại tệ để nhập khẩu vàng là “xa xỉ” đối với Việt Nam…

Khi USD giảm thì giá vàng tăng.
Khi USD giảm thì giá vàng tăng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế.

Giá vàng thế giới có mối liên hệ mật thiết với chính sách tiền tệ của Mỹ. Thường thì giá trị của USD và giá vàng luôn diễn biến ngược chiều nhau. USD tăng giá thì giá vàng giảm; ngược lại USD giảm giá thì giá vàng tăng.

Có thể thấy, nhu cầu vàng trên thế giới suy yếu vào năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ nhằm giảm lạm phát.

Tuy nhiên, khi tốc độ tăng lãi suất của FED chậm lại, giá vàng lại tăng. Thậm chí, thị trường đồn đoán FED có thể giảm lãi suất 2 lần trong năm 2024, kéo theo giá vàng thế giới tăng mạnh vào cuối năm 2023 và dự báo cả năm 2024.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của FED trở nên ôn hoà hơn trong năm 2023, cho nên, nhiều nhà đầu tư vàng dự đoán, vàng sẽ đạt mức cao nhất lịch sử trong năm 2024. Theo dự đoán của Long Forecast (Cơ quan Dự báo Kinh tế EFA - Mỹ) thì giá vàng năm 2024 có thể đạt đỉnh tới 2.489 USD/ounce.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục u ám, các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản kém khả quan càng khiến vàng trở thành kênh trú ẩn ưa thích.

Bên cạnh yếu tố ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, có ý kiến cho rằng vàng SJC tăng giá mạnh, chênh lệch lớn với giá vàng thế giới và các loại vàng nhẫn là do chỉ có 1 thương hiệu sản xuất vàng miếng trong nước là SJC.

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Trao đổi với VnEconomy, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, cho biết từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ thuê Công ty SJC gia công vàng miếng khi có nhu cầu, và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Đào Xuân Tuấn nhấn mạnh, mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đánh giá việc siết chặt, thậm chí hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng trong nước là cần thiết để tránh hao tổn ngoại tệ, yếu tố có thể gây mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể. 

"Việc đánh đổi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng là xa xỉ trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay. Trong khi đó, ngoại tệ, xét về khả năng thanh toán, luân chuyển tiền tệ, phương tiện đầu tư tích cực thì còn có ý nghĩa hơn vàng rất nhiều. Chưa nói, ngoại tệ hỗ trợ xuất nhập khẩu, tăng dự trữ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài", ông Huân nói. 

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều muốn loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông nhưng không thực hiện được do thói quen tích luỹ vàng của người dân.

“Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước phải siết lại việc sản xuất và kinh doanh vàng miếng là vì hồi đó ai cũng làm vàng miếng được khiến thị trường hỗn loạn, nhiều nơi bán vàng không đủ tuổi (hàm lượng vàng không đạt 99%-PV). Điều này gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Khi đi bán vàng, người dân chỉ bán lại được cho đúng cái tiệm đã bán vàng ra cho mình còn nếu bán chỗ khác thì sẽ bị giảm giá liền…”, ông Huân nhấn mạnh thêm.

Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 24, thị trường vàng đã có nhiều thay đổi, tình trạng "vàng tín dụng" bị đẩy ra khỏi hệ thống ngân hàng; khắc phục được tình trạng coi vàng là phương tiện thanh toán vốn phổ biến trong đời sống xã hội. Nhờ đó, góp phần bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam, bảo toàn nguồn lực ngoại tệ trong nước để ổn định cán cân thanh toán tổng thể. 

 

Khoản 1 Điều 15 Luật giá số 11/2012/QH13  quy định:

“1. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống”.

Vàng là hàng hóa có giá trị cao, nhưng không phải là sản phẩm thiết yếu cho sản xuất, đời sống. Căn cứ quy định hiện hành, vàng không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước cần bình ổn giá.