06:17 01/08/2011

Cơ cấu Chính phủ: “Chưa đặt vấn đề thêm, bớt bộ nào”

Thúy Hằng

Cơ cấu tổ chức Chính phủ mới có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ

Ông Ngô Văn Minh vừa trúng cử Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Ngô Văn Minh vừa trúng cử Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Sáng 1/8, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Thủ tướng sẽ trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội quyết định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

Tham gia thẩm tra nội dung này, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, cơ cấu Chính phủ mới có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, và dự kiến sẽ có 5 phó thủ tướng.

Gồm một phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực kinh tế tổng hợp; một người phụ trách kinh tế ngành và sản xuất; một người phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục.

Phó thủ tướng phụ trách nội chính sẽ trực tiếp làm Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, và một phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực đối ngoại.

Trong tờ trình Chính phủ có kiến nghị thành lập cơ quan ngang bộ hay trực thuộc bộ để quản lý vốn tài sản của doanh nghiệp nhà nước không, thưa ông?
 
Chưa, theo chủ trương chung của Đảng thì trước mắt nhiệm kỳ khóa 13 cơ cấu tổ chức Chỉnh phủ vẫn cơ bản giữ ổn định như khóa 12.

Chúng ta mới sáp nhập lại cơ cấu tổ chức Chính phủ được 4 năm thôi, so với nhiệm kỳ trước đã tinh gọn đầu mối hơn nhiều, thời gian thực hiện chưa đủ độ chín. Hơn nữa tới đây chúng ta sửa Hiến pháp, sẽ liên quan tới tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung, trong đó có tổ chức Chính phủ thì sẽ tính cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ cho tốt hơn và cũng nên luật hóa cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong luật thì sau này sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

Vậy Ủy ban Pháp luật có đề xuất thêm bớt bộ nào không?

Nhiều ý kiến cũng muốn thêm bộ này, bớt bộ kia, có một số ý kiến (ít thôi) muốn thay đổi một số tên bộ, có ý kiến quan tâm đến vấn đề biển đảo.

Trước tình hình hiện nay chúng ta chưa có thay đổi nhiều về cơ cấu tổ chức, nhưng chúng ta phải tính một hình thức, một phương pháp mới gọn hơn, chứ chưa đặt vấn đề hình thành tổ chức mới.

Nghĩa là có một số ý kiến muốn thành lập một bộ để quản lý tài nguyên biển và để bảo vệ chủ quyền biển đảo tốt hơn?

Đúng rồi, nhưng hiện nay Chính phủ đang có chủ trương củng cố các tổ chức đã thành lập, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao cho chứ chưa đặt vấn đề phải thành lập một bộ nữa để quản lý về lĩnh vực này.

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã nhận định rằng hiện nay, số lượng các thứ trưởng thuộc các bộ quá nhiều so với quy định của Chính phủ. Vậy ở nhiệm kỳ tới số lượng thứ trưởng có giảm, thưa ông?

Trong cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 13 không trình nội dung đó. Nhưng khi thẩm tra cơ cấu của Chính phủ thì Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý việc vừa rồi mình có sáp nhập nhiều bộ để thực hiện bộ quản lý đa ngành đa lĩnh vực, cấp phó còn nhiều nên đề nghị khóa này xem xét bố trí lại cho hợp lý, giảm bớt số thứ trưởng.

Bên cạnh đó Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý thực tế là trong thời gian vừa qua việc nhập các bộ  tuy giảm được đầu mối nhưng biên chế không giảm. Tổng cục và các cục cũng thành lập mới hơi nhiều.

Tất nhiên cần thành lập một số tổng cục, cục mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước nhưng cần phải xem xét cân nhắc cho kỹ, rà soát chức năng nhiệm vụ lại để hoạt động cho tốt, không vì chuyện sáp nhập bộ ngành mà hình thành nhiều tổng cục, cử tri và nhân dân cũng có ý kiến như thế.

Tuy nhiên cơ quan thẩm tra chỉ lưu ý chung như vậy thôi vì đó là thẩm quyền của Chính phủ. Nhưng một số bộ có đến 9,10 thứ trưởng như hiện nay thì đúng là khi chúng ta mới nhập vào nó phải như thế nhưng dần dần phải điều chỉnh cho hợp lý hơn, dần dần phải rút bớt lại.

Người đứng đầu Chính phủ khóa 12 cũng từng nhấn mạnh tình trạng chức năng các bộ chồng chéo, trùng lắp, cần khắc phục. Vậy quan điểm của cơ quan thẩm tra như thế nào, thưa ông?

Quan điểm của chúng tôi là một việc chỉ có một bộ chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Trong phối hợp cũng phải nói rõ bộ nào chủ trì, chịu trách nhiệm chính, bộ nào phối để khắc phục tình trạng “một mâm cơm” có nhiều bộ gác.

Thứ hai nữa là có những việc Chính phủ nhận thấy rồi, tức là trong cơ cấu tổ chức vừa qua khắc phục chưa được tốt lắm chuyện chồng chéo, trùng lắp chức năng nhiệm vụ. Mà theo tôi còn một vấn đề nữa cũng phải thấy cho rõ nguyên nhân để khắc phục, đó là chuyện chia cắt trong quản lý, có nghĩa vẫn còn có khoảng trống nào đấy trong việc chịu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước theo các lĩnh vực mà bộ ngành phụ trách.

Chẳng hạn như muối, sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, nhập muối lại do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm.

Hay như quản lý trong đô thị, đường xá là Bộ Giao thông Vận tải, vỉa hè lại là Bộ Xây dựng…còn có những khoảng trống như thế nó thành bất cập, thành ra không giải quyết được.

Phải chăng ông băn khoăn là vì trong tờ trình của Chính phủ chưa giải quyết được vấn đề này?

Chính phủ đã nhận thấy và đang hoàn thiện chức năng nhiệm vụ để cho rõ sự phân công phân nhiệm. Song cũng đề nghị Chính phủ sắp tới phải làm tốt hơn việc đó, phải đặt vào chương trình trọng tâm trong cải cách hành chính để chúng ta có nền hành chính hiện đại, hiệu quả, thông suốt và thống nhất.

Đồng thời có vấn đề nữa kiến nghị Chính phủ là khi phân cấp, giao quyền cho địa phương cần hết sức lưu ý chuyện phân cấp đi đôi với quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát để khắc phục cho được một số hạn chế trong nhiệm kỳ qua.

Như việc cho một số tổ chức nước ngoài thuê đất trồng rừng chẳng hạn, phân cấp rồi địa phương làm Chính phủ không biết. Hay như Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân golf nhưng sau phân cấp địa phương phê duyệt Chính phủ lại giật mình, điều chỉnh. Cho nên phải khắc phục chuyện đấy.

Và trong một số lĩnh vực cũng đề nghị Chính phủ cái nào trong xu hướng hiện nay để cho người dân hay tổ chức xã hội nghề nghiệp làm được không cần Nhà nước phải ôm đồm thì nên xã hội hóa, Nhà nước chỉ quản lý, kiểm soát.

Nhiều vị đại biểu trên diễn đàn Quốc hội cũng đã từng phàn nàn vì chưa rõ trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, vì vậy mà nhiệm kỳ qua, một số lĩnh vực xảy ra các sai sót nhưng tư lệnh ngành vẫn vô can. Vấn đề này có được Chính phủ đề cập đến trong cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ mới?

Cái đó Chính phủ cũng có nhận thấy và Ủy ban Pháp luật cũng có kiến nghị, tức là phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, để tăng tính chịu trách nhiệm tốt hơn, chứ như vừa qua, cuối cùng cũng không thấy ai chịu trách nhiệm hết.