18:09 24/05/2023

Có nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu với công ty con của doanh nghiệp nhà nước?

Đỗ Phong

Việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 24/5, "nóng" với các ý kiến tranh luận về đối tượng áp dụng. 

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu và một số đại biểu cho rằng không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của Doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu không đồng tình quan điểm này.

Dự thảo luật đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Gói thầu trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động Khoa học & Công nghệ từ quỹ phát triển Khoa học & Công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.

Phương án 2: Hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện: các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ; Gói thầu trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động Khoa học & Công nghệ từ quỹ phát triển Khoa học & Công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.

KHÔNG NÊN MỞ RỘNG PHẠM VI ÁP DỤNG VỚI CÔNG TY CON CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC?

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) thống nhất với phương án 1 và đề nghị không mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước.

Theo Đại biểu, nếu như theo phương án 2 mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của doanh nghiệp nhà nước, điều đó đồng nghĩa mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu.

Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận ngày 24-05-2023.
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận ngày 24-05-2023.

Nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu, đánh đồng các chủ thể, áp dụng cứng nhắc một phương thức quản lý, đại biểu Phan Đức Hiếu quan ngại về sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và hệ thống pháp luật đã được thiết kế và đang thi hành.

Cũng theo đại biểu, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất để quản lý doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam có Luật Doanh nghiệp thông qua cơ chế quản trị, giám sát nội bộ. Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp cũng có cơ chế quản lý thông qua người đại diện vốn và các cơ chế giám sát, báo cáo khác.

Quan sát, ông Hiếu cho hay rất nhiều tập đoàn tư nhân, rất nhiều công ty mẹ trong Tập đoàn nhà nước như hiện nay chưa yêu cầu áp dụng đối với công ty con cũng đã thiết kế các quy trình đấu thầu phù hợp, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm việc đấu thầu, chống thất thoát. Nghĩa là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp đã có nên không nhất thiết phải quy định.

Theo ông Hiếu, trong trường hợp này nếu áp dụng cứng nhắc Luật Đấu thầu cho cả các công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như vậy gián tiếp, vô hình chung lợi ích của nhà nước cũng bị ảnh hưởng…

Với những lý do nêu trên ông Hiếu thống nhất như phương án mà Chính phủ đã trình là chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, không mở rộng áp dụng cho các công ty con của doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu bày tỏ lo ngại sự tác động việc áp dụng Luật đấu thầu cho công ty con của Doanh nghiệp nhà nước đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên thảo luận ngày 24-05-2023.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên thảo luận ngày 24-05-2023.

Phân tích quan điểm này, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh, việc khuyến khích tham gia các hoạt động đấu thầu, nhưng không có nghĩa là những hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp khác là không ưu việt, không hay, mà phải quy định đảm bảo không thất thoát tiền bạc của nhà nước, công khai, minh bạch nhưng đảm bảo được quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, chủ động trong thực hiện và khuyến khích xã hội hóa.

“Chúng ta phải phân biệt giữa vốn của nhà nước, ngân sách của Nhà nước được sử dụng trong thực hiện dự án là bao nhiêu, tỷ lệ bao nhiêu chứ không phải là doanh nghiệp nào là nhà nước và chiếm bao nhiêu phần trăm của nhà nước. Ví dụ, đối tượng áp dụng khoản 1 lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư mua sắm, dự án đầu tư… Vấn đề là kiểm soát đồng vốn của nhà nước được đầu tư vào các chương trình dự án thế nào. Ngân sách nhà nước đầu tư cho công trình dự án đó bao nhiêu để định đoạt, quyết định đấu thầu hay không. Do đó, phương án 1 là phù hợp", đại biểu nêu.

TRANH LUẬN GAY GẮT ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Tranh luận với quan điểm về việc loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư không phải thực hiện đấu thầu, Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai), nhấn mạnh đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, nên không thể loại trừ các doanh nghiệp trên không cho thực hiện những điều tốt đẹp như vậy.

Đại biểu Lê Hoàng Anh tranh luận về việc loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư không phải thực hiện đấu thầu.
Đại biểu Lê Hoàng Anh tranh luận về việc loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư không phải thực hiện đấu thầu.

Đại biểu cho rằng các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư phải thực hiện, dẫn đầu các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước dưới 51% vẫn đang thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị  không loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng nên quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để lựa chọn thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ, tức theo phương án 2.

Có nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu với công ty con của doanh nghiệp nhà nước? - Ảnh 1

Đại biểu phân tích, thực tế có nhiều doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng vốn của mình để thành lập các pháp nhân, công ty con để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu qua tổng hợp số liệu khảo sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đối với 13 tập đoàn, tổng công ty cho thấy số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%, 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con. Trong khi đó, số dự án đấu thầu của các công ty con là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn điều lệ là 65%. Số dự án được đấu thầu của công ty con là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước có từ 50- 99% vốn điều lệ là 18%.

Đại biểu nêu quan điểm ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải cần áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận ngày 24-05-2023.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận ngày 24-05-2023.

Tranh luận với các ý kiến này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định trong luật không thể là “vòng kim cô” để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.

Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết... Vì vậy, đại biểu thống nhất phương án 1, chỉ quản lý doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp nhà nước có 50% vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu, đại biểu nói.