Cổ phiếu Nhà máy lọc dầu Dung Quất mất giá 70%, lợi nhuận "bốc hơi" 173 tỷ
Lợi nhuận giảm mạnh khiến cổ phiếu BSR của nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tìm đáy mới
Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã BSR) vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giải trình về nguyên nhân chênh lệch số liệu tại báo cáo tài chính đã soát xét cho kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm 2019.
173 tỷ lợi nhuận "bốc hơi"
Theo đó, báo cáo tự công bố và báo cáo sau soát xét của doanh nghiệp có nhiều chỉ số lệch nhau, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, báo cáo tài chính riêng, tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là 954 tỷ đồng nhưng sau soát xét giảm xuống chỉ còn 769 tỷ đồng, tương ứng giảm 185 tỷ. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sau soát xét giảm 8 tỷ, tương ứng 17%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ kéo theo cũng giảm từ mức 906 tỷ xuống 729 tỷ tương ứng mức giảm sau soát xét lên tới 176 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng có nhiều sai lệch trước và sau soát xét. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tự công bố là 927 tỷ nhưng sau soát xét giảm 181 tỷ xuống còn 746 tỷ đồng. Chi phí thuế doanh nghiệp giảm 8,15 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập hiện hành của công ty giảm từ mức 877,5 tỷ xuống 704 tỷ, tương ứng giảm 173 tỷ.
Theo ban lãnh đạo công ty, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế có sự thay đổi so với báo cáo tự lập do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 119,7 tỷ đồng. Dầu thô trong tháng cả tháng 7 càng ngày càng giảm và thấp hơn giá dầu thô bình quân 17 ngày đầu tháng 7/2019 tức thời điểm lập báo cáo tài chính.
Một số chi phí của tháng 6/2017 nhưng nhận được hồ sơ trễ sau ngày chốt số liệu báo cáo trước soát xét dẫn đến ghi nhận thiếu chi phí, và đã được ghi nhận vào báo cáo sau soát xét. Do đó tổng lợi nhuận giảm như trên.
Nhà máy nhiên liệu sinh học 1.800 tỷ bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Ngoài ra, báo cáo tài chính soát xét còn đưa ra ý kiến ngoại trừ của kiếm toán nhấn mạnh việc doanh nghiệp đã xác định giá trị tổn thất của khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung tương đương với giá trị dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào đây và đã trích lập dự phòng tại ngày 30/8/2018. Công ty cũng đã quyết định sử dụng toàn bộ giá trị khoản dự phòng đã trích lập để bù đắp tổn thất tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần là 536 tỷ đồng.
"Giá trị tổn thất của khoản đầu tư vào Công ty Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung tại ngày 30/6/2018 có thể thay đổi tuỳ thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi không thể thu thập đầy đủ bằng chứng soát xét thích hợp về giá trị tổn thất của khoản đầu tư này. Do đó, chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu này hay không", kiểm toán nêu.
Báo cáo sau soát xét còn nhấn mạnh tại ngày 30/6/2019, lỗ luỹ kế và thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn của Công ty Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty này.
Về việc này, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cho rằng đã xác định tổn thất đầu tư tài chính vào Công ty Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung tương ứng với tỷ lệ góp vốn của công ty tại thời điểm 30/6/2018, nên toàn bộ khoản dự phòng này được sử dụng để bù đắp tổn thất.
Tại ngày lập báo cáo tài chính này, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa phê duyệt quyết toán cổ phần hoá tại Lọc hoá dầu Bình Sơn nên kiểm toán không thể thu nhập được bằng chứng để soát xét chính xác nhất cho khoản đầu tư này.
Công ty Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung đã tạm ghi tăng nguyên giá các tài sản cố định là khoảng 1.790 tỷ đồng trong năm 2014. Tại ngày lập báo cáo, công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng và tiếp tục thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
"Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc công ty sẽ đánh giá hoạt động và tài chính của nhà máy bao gồm việc hợp tác với một đối tác để vận hành lại nhà máy, do đó cơ sở lập báo cáo tài chính của Công ty Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung theo nguyên tắc liên tục là phù hợp", công bố của BSR nêu.
Cổ phiếu xuống dưới mệnh giá
Ngày 1/3/2018, Lọc Hóa dầu Bình Sơn chính thức đưa cổ phiếu BSR lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 22.400 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ngay sau đó tăng lên 31.300 đồng/cổ phiếu. Kể từ mức đỉnh này, BSR liên tục "đổ đèo" rất mạnh.
Chốt phiên ngày 20/8, BSR có giá 9.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm, BSR đã mất giá 70%. Vốn hoá bốc hơi mạnh chỉ còn hơn 30.000 tỷ, thấp hơn cả giá trị sổ sách của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn vận hành và quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.