Cổ phiếu nhóm nào được lợi từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu?
Trước việc gia tăng của chi phí vận chuyển trên thế giới cũng như giá cả một số mặt hàng lương thực, nguyên nhiên liệu trên thế giới, BSC đánh giá một số nhóm ngành sau có thể liên quan đến những diễn biến này, gồm logistics, lương thực gồm gạo, mía đường...
Trước những biện pháp trừng phạt về kinh tế từ Mỹ, châu Âu đối với Nga trong thời gian gần đây đã làm dấy lên lo ngại về một chu kỳ tăng giá mới của nhiều loại hàng hóa. Ngày 1/3/2022, ba hãng tàu biển lớn nhất thế giới gồm MSC, Maesk và CMA CGM đã thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga điều này mang đến những thông tin không mấy tích cực cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Trong khi đó, bộ chỉ số Baltic (Baltic Indices) gồm 3 chỉ số chính: Baltic Dry Index (BDI – chỉ số giá cước vận tải/thuê tàu hàng khô), Baltic Dirty Tanker Index (BDTI – chỉ số giá cước vận tải dầu thô) và Baltic Clean Tanker Index (BCTI – chỉ số giá cước vận tải dầu sản phẩm) là một những bộ chỉ số cơ sở quan trọng, đang được sử dụng rộng rãi để đo lường chi phí vận chuyển của hàng hóa qua đó gián tiếp đánh giá được tình hình cung/cầu đang giao dịch trên thế giới.
BSC đánh giá, các sự kiện trong thời gian trở lại đây như: đại dịch Covid-19, tàu Ever Given mắc cạn, sự kiện Nga và Ukraine 2022 lại có tác động đáng kể diễn biến bộ chỉ số trên, đặc biệt là BDTI.
Cả 3 chỉ số đều có mức tăng mạnh kể từ thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân vào Ukraine, trong đó BDTI tăng mạnh nhất tính đến ngày 02/03/2022 chỉ số này tăng hơn 111% so với thời điểm 5 ngày trước khi sự kiện xảy ra. Điều này cho thấy nhu cầu vận tải dầu thô rất lớn và tác động của tình hình chiến sự tại Nga – Ukraine đã có ảnh hưởng ngay lập tức.
Trước việc gia tăng của chi phí vận chuyển trên thế giới cũng như giá cả một số mặt hàng lương thực, nguyên nhiên liệu trên thế giới, BSC đánh giá một số nhóm ngành sau có thể liên quan đến những diễn biến này, gồm logistics, lương thực gồm gạo, mía đường.
Thứ nhất, với nhóm ngành Logistics, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ khoảng 7,8 tỷ USD vào năm 2021, tương ứng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Vì chiếm tỷ trọng nhỏ, nên việc gián đoạn giao thương với 2 quốc gia này sẽ không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam, từ đó sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển duy trì triển vọng tích cực.
BSC khuyến nghị khả quan đối với ngành Cảng biển trong năm 2022 do sự tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao tăng 24% xuất phát từ việc gia tăng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng ở mức 6%-27% vì sự hồi phục chung toàn ngành và cải thiện hiệu suất ở các cảng.
Bên cạnh đó, Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn với nguồn cung hiện tại khoảng 10 triệu thùng/ngày, tương ứng 10% nhu cầu toàn cầu. Việc gián đoạn xuất khẩu dầu từ Nga và hoạt động của các đường ống ở Bắc Âu sẽ làm thắt chặt, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu từ đó thúc đẩy giá dầu. Vì chi phí nhiên liệu chiếm 40- 50% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển, nên nếu giá dầu tiếp tục tăng bởi bất ổn chính trị sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên vì tình trạng thiếu hụt vẫn đang diễn ra, nên các chủ tàu có khả năng chuyển chi phí sang khách hàng từ đó bảo đảm tỷ suất lợi nhuận hoạt động.
Bất ổn chính trị ở Nga và Ukraine tạo ra rủi ro cho các chủ tàu khi vào cảng 2 quốc gia này, từ đó dẫn tới việc giá cước vận tải các tuyến liên quan đến 2 quốc gia này tăng mạnh do chủ tàu yêu cầu mức phí cao hơn. Các doanh nghiệp vận tải biển ở Việt Nam chủ yếu thực hiện cho thuê tàu định hạn thuộc các tuyến Trung Đông – Nội Á nên việc cước vận tải tuyến Nga và Ukraine tăng sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp này.
BSC khuyến nghị khả quan đối với ngành Vận tải biển trong năm 2022 do sự tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao +46% YoY vì (sản lượng vận tải gia tăng với trọng tải đội tàu tăng lên và (2) giá cước vận tải duy trì ở mức cao.
Thứ hai, với nhóm ngành lương thực như gạo, từ đầu năm đến 15/02/2022 có tín hiệu tương đối tích cực khi sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng lần lượt là 36% và 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu sang Nga và Ukraine chỉ chiếm dưới 1% tỷ trọng sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam nên chiến sự nổ ra sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành.
BSC đánh giá ngành lương thực có thể được hưởng lợi xuất phát từ một số yếu tố sau: Gián đoạn nguồn cung lương thực, Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu lúa mì (1/3 sản lượng thương mại thế giới) và ngô hàng đầu thế giới (xuất khẩu ngô của Ukraine chiếm 22% kinh ngạch thương mại thế giới), khiến giá cả các loại thực phẩm như bánh mì tăng cao, trong khi thu nhập người dân bị ảnh hưởng đáng kể dẫn tới tăng nhu cầu cho các sản phẩm thay thế có giá thấp hơn như gạo.
Các quốc gia ngoài chiến sự cũng tăng nhu cầu tích trữ lương thực và sản phẩm thay thế nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do đó, BSC đánh giá khả quan đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn sẽ được hưởng lợi từ xu hướng tích trữ lương thực trong chiến tranh.
Cuối cùng, với ngành mía đường, nhóm này cũng được đánh giá khả quan nhờ giá đường được kì vọng duy trì khả quan dựa vào (1) nguồn cung mía tại Brazil (Quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới) được ưu tiên để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol khi giá nhiên liệu này (+32%YoY) theo xu hướng giá dầu thô tăng 54% YoY, và (2) nhu cầu đường vẫn vượt cung thế giới được kì vọng 3-4 triệu tấn trong niên độ 2021-2022.