Cổ phiếu Tesla tăng vọt sau tin Elon Musk muốn đưa công ty trở thành tư nhân
Elon Musk cần khoảng 66 tỷ USD để đưa Tesla trở thành công ty tư nhân - thương vụ mua lại cổ phần bằng vốn vay lớn nhất lịch sử
Cổ phiếu hãng xe điện Tesla vừa có phiên tăng giá mạnh sau khi giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk cho biết ông muốn đưa Tesla trở thành công ty tư nhân và nếu thành công, sẽ giúp giảm áp lực đối với công ty đang thua lỗ này.
Thông báo trên được Musk được đăng tải đầu tiên trên Twitter, khiến các nhà đầu tư bất ngờ, đẩy giá cổ phiếu hãng này tăng tới 13% trong phiên ngày 7/8. Thông tin này theo sau tin quỹ đầu tư của Saudi Arabia đã mua gần 5% cổ phần trị giá khoảng 2 tỷ USD của Tesla.
"Việc này hoàn toàn nhằm tạo ra môi trường để Tesla vận hành tốt nhất", Elon Musk, 47 tuổi, viết trong một email gửi nhân viên. Ông cho rằng những biến động trong giá cổ phiếu gây "xao nhãng lớn" đối với nhân viên và việc là công ty đại chúng tạo "áp lực nặng nề lên Tesla trong việc đưa ra các quyết định trong một quý nào đó chứ không phải trong dài hạn".
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều nghi vấn, như làm thế nào Musk - người sở hữu 20% Tesla - có thể "xoay" được 66 tỷ USD cần thiết để thực hiện điều đó. Với giá 420 USD/cổ phiếu, Tesla có giá trị vốn hoá khoảng 82 tỷ USD, đã bao gồm nợ. Để đưa Tesla trở thành công ty tư nhân, tỷ phú này phải thực hiện thương vụ mua lại cổ phần bằng vốn vay (LBO) lớn nhất trong lịch sử, vượt qua vụ của hãng năng lượng Texas TXU vào năm 2007.
Musk cho biết các cổ đông sẽ được thông báo nếu ông quyết định theo đuổi kế hoạch này và nói rằng ông sẽ vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí của mình.
Cổ phiếu Tesla đã dừng giao dịch trong hơn 1,5 giờ và bắt đầu giao dịch trở lại tăng 11% lên mức 380,6 USD vào lúc 15h49 trên sàn Nasdaq. Cổ phiếu này rót khỏi mức giá 420 USD cho thấy các nhà đầu tư nghi ngờ tính khả thi trong kế hoạch của Musk.
"Thị trường không tin tưởng ông ấy", David Kudla, CEO của Mainstay Capital Management - công ty đang bán khống cổ phiếu Tesla, cho biết. "Vì nhiều lý do mà sự tín nhiệm của ông ấy bị nghi ngờ. Nếu điều này là thật, cổ phiếu này có thể lên gần mức 420 USD chứ không phải như bây giờ".
Trong vài tháng qua, Quỹ đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia đã liên tục mua vào cổ phiếu Tesla, nằm trong chiến lược đầu tư đa dạng hơn của quỹ này, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết. PIF nằm trong tâm điểm của nỗ lực đa dạng hoá nền kinh tế từ dầu mỏ - kế hoạch cải cách kinh tế mang tên Vision 2030 - của quốc gia này.
Elon Musk từng nhiều lần nói về những áp lực từ các nhà đầu tư và truyền thông lên Tesla. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 1/2015, ông bày tỏ sự thất vọng với việc đưa Tesla lên sàn vào tháng 6/2010.
"Có rất nhiều phiền phức xung quanh một công ty đại chúng và mọi người liên tục bình luận về giá cổ phiếu", Musk nói. "Việc là một công ty đại chúng chắc chắn làm tăng chi phí quản lý đối với bất kỳ doanh nghiệm nào".
Theo Gene Munster, đối tác quản lý tại công ty ty đầu tư mạo hiểm Loup Ventures, việc dưa Tesla trở thành công ty tư nhân "có rất nhiều ý nghĩa".
"Elon Musk không muốn điều hành các công ty đại chúng. Nhiệm vụ của ông ấy là rất lớn và rất khó để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư mỗi quý", Munster nói.
Tesla hiện không đủ điều kiện để vay nợ hàng chục tỷ USD. Kể từ khi niêm yết, năm nào công ty này cũng báo lỗ và đang "đốt" hàng tỷ USD vào việc sản xuất mẫu xe điện mới Model 3.
Nhà phân tích Joel Levington của Bloomberg Intelligence cho rằng kế hoạch này "khó có khả năng thành hiện thực".
"Một công ty có dòng tiền tự do âm như thế này khó có thể kiếm được khoản vay hơn 50 tỷ USD", Levington nhận định.