20:57 21/02/2022

Cổ phiếu thép: Định giá đã ở vùng an toàn nhưng động lực tăng đến đâu?

An Nhiên

Đà tăng của cổ phiếu thép trong những phiên gần đây đồng pha với diễn biến giá thép trên thế giới tăng nhẹ 5% trong thời điểm đầu tháng 2/2022. Tuy nhiên, nhà đầu tư có nên hưng phấn với nhóm này trong bối cảnh nhiều yếu tố không thuận lợi đang diễn ra?

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chu kỳ điều chỉnh của cổ phiếu nhóm thép đã kéo dài suốt từ tháng 10/2021 đến đầu năm 2022 sau khi triển vọng về nhóm này đã chấm dứt, giá thép quay đầu giảm trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong đầu tháng 2/2022, giá thép thế giới đã tăng trở lại 5%. Giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành thép nhờ đó cũng bật tăng theo.

CỔ PHIẾU THÉP HỒI SINH

Trong một tháng trở lại đây, giá cổ phiếu HPG đã tăng 8,43%; HSG tăng 14,4%; NKG tăng 26,38%; VIS tăng 11%; TVN 9,36%; POM tăng 8,27%...Dù vậy, mức giá này còn khá xa mới quay trở về vùng đỉnh mà nhóm này đạt được trong tháng 10/2021.

Đà cổ phiếu thép trong thời gian gần đây còn đến từ kết quả kinh doanh quý 4/2021. Dù tăng trưởng đã chậm lại trong nửa cuối năm 2021 nhưng nhìn chung ngành thép vẫn có một năm 2021 thành công rực rỡ.

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiếp tục là quán quân lợi nhuận ròng quý 4/2021 với 7.427 tỷ đồng, tăng 60,1% so với cùng kỳ nhưng giảm 28,3% từ mức 10.352 tỷ đồng của quý 3/2021 – đây cũng là lần đầu tiên công ty ghi nhận mức lợi nhuận ròng giảm so với quý quý trước đó sau 8 quý tăng trưởng liên tiếp. Trong khi đó, các doanh nghiệp tôn mạ (bao gồm HSG, NKG) đã báo cáo quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận ròng suy giảm so với quý trước đó.

Mặc dù vậy, năm 2021 vẫn là một năm thành công rực rỡ của doanh nghiệp thép, trong đó lợi nhuận ròng của HPG đạt 34.478 tỷ đồng (+156,3% so với cùng kỳ); HSG (4.379 tỷ đồng, +183,8% svck) và NKG (2.225 tỷ đồng, +654,2% so với cùng kỳ).

Cổ phiếu thép: Định giá đã ở vùng an toàn nhưng động lực tăng đến đâu? - Ảnh 1

Bên cạnh đó, nhóm thép còn được đánh giá triển vọng tích cực nhờ nhu cầu thép nội địa sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu công vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ hồi phục kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng, trong đó 113.850 tỷ đồng được phân bổ cho phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành, các cảng logistics lớn..., kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép gia tăng.

Năm 2022, nguồn cung căn hộ sẽ tăng gấp đôi, và nguồn cung nhà liền thổ tăng 20%-30% so với năm 2021 (theo dự báo của CBRE Việt Nam) là những yếu tố thúc đẩy tiêu thụ thép trong nước.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025 (từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay). Trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-25, số vốn ước tính cũng tăng thêm 43,5% so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Đối với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thép Việt Nam được đánh giá đang đứng trước cơ hội hưởng lợi từ “miếng bánh” để lại của xuất khẩu thép Trung Quốc. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, sản lượng thép thô của Trung Quốc năm 2021 ở mức 1.033 tỷ tấn, giảm 3% so với năm trước, đây là mức bình quân năm giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.

ĐỊNH GIÁ AN TOÀN NHƯNG KHÔNG NÊN HƯNG PHẤN

Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu ngành thép vừa công bố, Chứng khoán VnDirect cho rằng, hiện tại, các doanh nghiệp thép đang định giá ở mức thấp nhất 4 năm trở lại đây. Đây là mức định giá đã an toàn.

"Trong những phiên giao dịch sắp tới, giá cổ phiếu thép sẽ có biến động tăng giảm theo diễn biến giá thép và yếu tố định giá sẽ trở nên mờ nhạt hơn. Do vậy nhà đầu tư không nên quá hưng phấn với những đợt tăng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu thép bởi định giá dù đã rẻ, nhưng có thể là chưa đủ hấp dẫn", các chuyên gia phân tích của VnDirect nhấn mạnh.

Cụ thể, theo VnDirect, nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa được đánh giá tăng cao trong năm 2022 nhưng biên lợi nhuận gộp ngành thép sẽ suy giảm từ mức cao năm 2021.

Giá thép thế giới đã đi qua đỉnh chu kỳ và được kỳ vọng sẽ giảm dần trong năm 2022-2023.

Theo S&P Global Platts, giai đoạn nhu cầu thép bị dồn nén sau đại dịch Covid-19 và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh tốc độ cung tiền đã đi qua, tăng trưởng nhu cầu thép tại thị trường Mỹ và Châu Âu đang cho thấy dấu hiệu chậm lại từ Q4/21. Mặt khác, Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận dỡ bỏ mức thuế đối với thép nhập khẩu từ EU trong tháng 10/2021 và Nhật Bản trong tháng 2/2022. Kết quả là tại thời điểm cuối tháng 1/2022, giá thép HRC tại khu vực Bắc Mỹ và Bắc Âu chỉ giao dịch lần lượt quanh mức 1.390/1.026 USD/tấn, thấp hơn 30% so với vùng đỉnh lịch sử được thiết lập trong Q3/21.

Cổ phiếu thép: Định giá đã ở vùng an toàn nhưng động lực tăng đến đâu? - Ảnh 2

Tính đến hết tháng 1/2022, trung bình giá thép thế giới đã giảm 30% so với vùng đỉnh được thiết lập trong quý 3/2021. Mặc dù đã tăng 5% trong nửa đầu tháng 2/2022, các tổ chức lớn đều đang dự báo đây là xu hướng tăng ngắn hạn và giá bán thép sẽ giảm dần trong năm 2022-23. Fitch Solutions dự báo trung bình giá thép toàn cầu sẽ giảm từ 950 USD/tấn của năm 2021 xuống 750 USD/tấn trong năm 2022 và 535 USD/tấn trong giai đoạn 2023-2025 do nhu cầu thép cho ngành xây dựng Trung Quốc suy yếu khi các dự án xây dựng hạ tầng giảm dần.

Theo diễn biến giá thép thế giới, VnDirect dự báo giá thép xây dựng của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 14.500-13.600 đồng/kg vào năm 2022-23, giảm lần lượt 10%-5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, giá quặng sắt phục hồi nhanh chóng vào đầu năm 2022 khi Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu. Refinitiv ước tính quốc gia này đã nhập khẩu 94 triệu tấn quặng sắt trong tháng 1/2022. Mặc dù sản lượng nhập khẩu vẫn thấp hơn mức đỉnh của tháng 11/2021 là 106 triệu tấn nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tháng 12/2021 là 86 triệu tấn và là tháng cao thứ 2 trong 5 tháng gần nhất.

Số liệu này cho thấy xu hướng các nhà máy thép và thương nhân của Trung Quốc đang muốn tích trữ cho mùa xây dựng sắp tới và chờ đợi các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ. Giá quặng sắt 62% giao ngay tại Trung Quốc hiện đang được giao dịch ở mức 137 USD/tấn, tăng 71% so với đáy giữa tháng 11/2021. VnDirect kỳ vọng giá quặng sắt năm 2022 sẽ ở khoảng 100-110 USD/tấn.

Cổ phiếu thép: Định giá đã ở vùng an toàn nhưng động lực tăng đến đâu? - Ảnh 3

Giá than cốc được dự báo sẽ tiếp tục biến động trong năm 2022. Các hiện tượng thời tiết xấu làm gián đoạn việc vận chuyển than cốc từ Queensland chính là động lực tăng giá đáng kể nhất. Trong ngắn hạn, áp lực tăng giá trên diện rộng có thể sẽ tiếp diễn khi hoạt động sản xuất thép trên toàn cầu tiếp tục hồi phục mạnh mẽ.

VnDirect đánh giá, giá bán thép thấp hơn trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong năm 2022 sẽ gây áp lực không nhỏ đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép. Dự phóng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép Việt Nam giảm khoảng 2-4 điểm % trong năm 2022. Mức tăng trưởng ấn tượng năm 2021 cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho kết quả kinh doanh năm 2022 của nhóm doanh nghiệp này.