10:04 28/08/2009

Công khai tài chính trong giáo dục và đào tạo

Lý Hà

Tăng học phí và đổi mới cơ chế quản lý tài chính có đồng nghĩa với tăng chất lượng giáo dục?

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân.
Từ 1/9/2009 học phí đại học sẽ được điều chỉnh theo một khung mới, theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý.

Tăng học phí và đổi mới cơ chế quản lý tài chính có đồng nghĩa với tăng chất lượng giáo dục hay không là băn khoăn của nhiều người và là thách thức đối với ngành giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Quy chế “Thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành sẽ giúp người học bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.

Thưa Phó Thủ tướng, tại sao chất lượng giáo dục, vấn đề quản lý, chi tiêu và sử dụng ngân sách tại các trường đại học và cao đẳng là một “món nợ” mà ngành giáo dục vẫn chưa trả lời được trong 22 năm qua?

Sau 22 năm đổi mới, hệ thống giáo dục đại học đã có nhiều thay đổi lớn về quy mô. Tính đến 2009, số trường đại học, cao đẳng tăng gấp 3,7 lần so với năm 1987, từ 101 trường tăng lên 376 trường. Trong đó, đại học tăng 2,4 lần (từ 63 đến 150 trường); cao đẳng tăng gấp 6 lần (từ 38 lên 226 trường). Cùng quãng thời gian đó, quy mô sinh viên tăng gấp 13 lần. Tuy nhiên, số lượng giảng viên chỉ tăng 6 lần.

Với sự thay đổi quy mô như vậy nhưng phương pháp quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường thì vẫn “giậm chân tại chỗ”, cơ bản không thay đổi: quản lý tập trung, chưa phân cấp đáng kể cho chính quyền các tỉnh, chưa có quy chế phối hợp với các bộ, ngành...

Bên cạnh đó, công tác quản lý ở một số trường còn lỏng lẻo, bộc lộ yếu kém dẫn đến tình trạng gian lận, tiêu cực trong các hoạt động giảng dạy, học tập...; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Giảng viên cơ hữu thì thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Năng lực quản lý của một số trường đại học, cao đẳng còn yếu, bộc lộ nhiều hạn chế.

Nhưng có ý kiến lại cho rằng, giáo dục chưa đảm bảo được chất lượng là do chế độ học phí hiện hành mang nặng tính bao cấp. Chính vì thế, tăng học phí hợp lý sẽ dẫn đến tăng chất lượng giáo dục và đào tạo. Xin cho biết ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này?

Theo tôi, khung học phí cũ đã thực hiện 10 năm và không còn phù hợp nữa, cho nên phải có khung học phí mới. Mục tiêu của đổi mới cơ chế tài chính, trong đó có tăng học phí là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường nâng cao dần chất lượng giáo dục đào tạo.

Theo nghị quyết của Quốc hội vừa qua, chính sách học phí mới được thực hiện từ năm học 2010 - 2011. Riêng năm học 2009 - 2010, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập chỉ thực hiện ở mức thấp, mang tính quá độ trước khi thực hiện lộ trình điều chỉnh học phí từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.

Mức học phí mới này được xây dựng theo nguyên tắc: mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác của gia đình cho con em đi học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của gia đình. Với dạy nghề, trung cấp, đại học, cao đẳng từng bước phải đảm bảo chi thường xuyên của các nhóm ngành, tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo. Tăng học phí kèm theo một loại các chính sách cơ chế tài chính hỗ trợ người nghèo, đảm bảo tất cả người nghèo đều được đi học.

Thưa Phó Thủ tướng, làm thế nào để người học có thể biết được học phí đó tương xứng với chất lượng đào tạo mà họ nhận được khi mà họ rất thiếu thông tin?

Quy chế “Thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành sẽ công khai tất cả những gì liên quan trực tiếp đến người học. Tất cả hoạt động của một cơ sở giáo dục đều được công bố thông tin đầy đủ. Người học, phụ huynh và toàn xã hội có thể nắm được tất cả thông tin liên quan trực tiếp đến người học, những thông số phản ánh năng lực, điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục phải công bố cam kết chất lượng giáo dục của mình, công khai điều kiện tuyển sinh, chương trình giáo dục mà nhà trường tuân thủ, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, kết quả của học sinh dự kiến đạt được.

Các cơ sở giáo dục cũng phải công khai các kết quả giáo dục cụ thể mà cơ sở đã đạt được sau từng năm học, khóa học. Nhưng quan trọng nhất là quy định bắt buộc cáccơ sở giáo dục phải thực hiện công khai về thu chi tài chính. Theo đó, các cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập phải công khai mức thu học phí, lệ phí, các khoản thu khác, số tiền ngân sách nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ, các dự án, các quỹ từ nguồn đóng góp của nhân dân, các khoản thu từ viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, các khoản phải nộp cho ngân sách Nhà nước, các khoản chi theo từng năm học...

Theo Phó Thủ tướng, với quy chế yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công khai những nội dung trên như vậy, ngành giáo dục mong muốn đạt được kết quả gì?

Thực hiện công khai là đòi hỏi lâu nay của xã hội và đó là một yêu cầu rất chính đáng. Người học, các thành viên của cơ sở giáo dục và xã hội có quyền tham gia giám sát và đánh giá cơ sở giáo dục.

Khi đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện công khai toàn bộ những thông tin liên quan đến hoạt động giáo dục của mình, chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra một phương thức để người học có được thông tin đầy đủ, một cách chính thống về cơ sở giáo dục nơi mình học tập hoặc dự định lựa chọn để học. Trên cơ sở những thông tin được công bố, người học bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.