14:33 03/06/2009

Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục hay đề án tăng học phí?

Minh Thúy

Đại biểu Quốc hội "phê" đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo quá nặng về tăng học phí

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo - Ảnh: Phương Thảo.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo - Ảnh: Phương Thảo.
Thảo luận tổ về đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2014,  sáng 3/6, nhiều đại biểu Quốc hội than phiền trước kỳ họp do không có thông tin đầy đủ, nên chỉ “nghe xôn xao” chuyện tăng học phí.

Một số đại biểu khác sau khi đã xem kỹ thì “gợi ý” nên đổi tên đề án thành đổi mới cơ chế chính sách học phí. Có đại biểu “hoàn toàn không ủng hộ” và đề nghị Quốc hội chưa vội thông qua.

Các ý kiến bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải xây dựng đề án cũng vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Tăng học phí có giảm đầu tư từ ngân sách?

Dù đồng tình hay không đồng tình thì hầu hết các ý kiến thảo luận tại các đoàn Tp.HCM, Quảng Ngãi, Bình Dương, Phú Yên, Nam Định… đều có nhận xét là đề án chưa giải quyết được nhiều vấn đề một cách căn bản mà chỉ “nặng về học phí”.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng phát biểu, giáo dục là vấn đề cử tri rất quan tâm nên phải thảo luận kỹ, song xem kỹ đề án này, thực chất là tăng thu học phí thôi, "chứ chả phải đổi mới cơ chế gì".

Khẳng định sự ưu tiên hàng đầu cho giáo dục của Nhà nước, chuyên gia kinh tế  Trần Du lịch đưa ra thông tin, trong vòng 20 năm, từ 1990 đến 2008, đầu tư ngân sách cho giáo dục tăng 40 lần, năm 2008 là  4,7 tỷ Đô la, trong khi GDP bình quân đầu người chỉ tăng 3 lần. “Chưa có nước nào làm được như vậy”, ông nói.

Đại biểu Phạm Quý Tỵ đặt vấn đề sau khi tăng học phí vẫn giữ nguyên 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục như hiện nay hay giảm chi ngân sách? Theo ông thì đề án chưa trả lời được câu hỏi với 20% tổng chi ngân sách như hiện nay thì khó cái gì, thiếu chỗ nào, cần phải thu thêm bao nhiêu nữa…

Nhấn mạnh “giáo dục là chuyện của Nhà nước chứ không phải chuyện của thị trường” đại biểu Lịch phàn nàn về chuyện giáo dục đang bị thương mại hóa. Trong khi đó thì đề án chưa có đánh giá về cơ chế tài chính, chưa lý giải thỏa đáng 8 tồn tại đã nêu để có giải pháp khắc phục.

Đồng tình với nhận xét này, đại biểu Tất Thành Cang chỉ ra nhiều ví dụ để chứng minh ngay trong ngành giáo dục cũng đang để xảy ra nhiều lãng phí, nhất là sử dụng tài sản công. Và nếu khắc phục được tình trạng này thì sẽ tăng nguồn đầu tư cho giáo dục.

Còn đại biểu Mã Điền Cư cho rằng mục tiêu của đề án rất chung, cần có mục tiêu cụ thể, hết thời gian thực hiện mới có cơ sở để đánh giá. Vị đại biểu này đề nghị mức học phí phổ thông và mầm non nên dưới 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình.

Nhiều đại biểu đề nghị bộ cần xây dựng đề án theo hướng tiến tới miễn học phí cho bậc học phổ thông và đầu tư nhiều hơn cho giáo dục công lập, công khai minh bạch trong sử dụng ngân sách và các khoản đóng góp.

Xã hội đã “thắt lưng buộc bụng” cho giáo dục như vậy, song kết qủa đạt được có tương ứng không thì phải đánh giá lại, đại biểu Lịch đặt vấn đề. Ông cũng cho rằng, nếu bộ cam kết ngoài học phí không phải đóng thêm gì nữa mà chất lượng lại tăng lên thì chắc “Quốc hội thông qua liền” mà xã hội cũng đồng tình.

Tăng chất lượng, "Bộ không dám hứa"

Tham dự thảo luận tại đoàn Tp.HCM và Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận giải thích, hiện nay ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo vẫn chiếm phần lớn, học phí chỉ đủ bù đắp một phần trả lương.

Liên quan đến vấn đề cam kết chất lượng đào tạo tăng khi học phí tăng, Thứ trưởng luận nói “Bộ không dám hứa”, vì “phải làm từ từ, có quá trình phấn đấu lâu dài”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, ngành sẽ sử dụng “van” để tránh trường hợp tăng học phí tùy tiện. Các trường đại học thì sẽ có kiểm định chất lượng và công bố công khai.

Việc cam kết không lạm thu, Thứ trưởng Luận cho biết Luật Giáo dục cũng quy định rồi, nhưng việc thực hiện sẽ không thu thêm gì ngoài quy định “là cả một cuộc đấu tranh”.

Về sự phàn nàn việc tiếp nhận thông tin chưa đầy đủ của một số vị đại biểu và đề nghị cần có cơ chế để tiếp nhận thêm ý kiến đóng góp, ông khẳng định đề án đã được công bố trên mạng để xin ý kiến nhân dân thường xuyên trong quá trình xây dựng.

“Ý kiến thì rất trái chiều nhau và nhiệm vụ của bộ phải tính toán để đảm bảo lợi ích cho của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất”, Thứ trưởng nói.

Theo chương trình làm việc, ngày 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về đề án nói trên.