08:49 02/05/2007

Công nghiệp phần mềm và mục tiêu 800 triệu USD

Thanh Hà

Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010

Phát triển nguồn nhân lực sẽ là ưu tiên hàng đầu trong Chương trình Phát triển phần mềm công nghiệp Việt Nam đến 2010.
Phát triển nguồn nhân lực sẽ là ưu tiên hàng đầu trong Chương trình Phát triển phần mềm công nghiệp Việt Nam đến 2010.

Mặc dù đã có được một số kết quả khả quan về gia công phần mềm trong thời gian qua nhưng nhìn chung, Việt Nam vẫn chưa chứng tỏ được hết khả năng của mình trong việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phần mềm.

Sự kỳ vọng vào ngành công nghiệp mũi nhọn này lại một lần nữa được mở ra sau khi Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 vào giữa tháng 4 vừa qua.

Điểm quan trọng của Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm lần này là đã đưa ra được những mục tiêu, chính sách, giải pháp cụ thể và kinh phí thực hiện chương trình. Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, những mục tiêu này là phù hợp và nằm trong khả năng của Việt Nam nếu các giải pháp được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Theo quan điểm đặt ra, công nghiệp phần mềm là ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, tạo ra giá trị xuất khẩu cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhà nước đặc biệt khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân.

Phát triển nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng là điều kiện then chốt cho sự thành công của công nghiệp phần mềm. Cần chú trọng dịch vụ công nghệ thông tin, trước mắt là gia công phần mềm và dịch vụ cho nước ngoài, song song với việc tăng cường mở rộng thị trường trong nước, tập trung phát triển một số phần mềm trọng điểm, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thay thế các sản phẩm phần mềm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam.

Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2010, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 35-40%/năm. Tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt trên 800 triệu USD/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 40%. Tổng số nhân lực phát triển phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt khoảng 55.000 đến 60.000 người, với giá trị sản phẩm trung bình đạt 15.000 USD/người/năm. Đến 2010, Việt Nam phải xây dựng được trên 10 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 1.000 người và 200 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 100 người.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu lọt vào nhóm các nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm và lọt vào danh sách 15 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, sẽ giảm tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm đến 2010 cũng đưa ra các chính sách và giải pháp trong đó trước hết là hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước. Chương trình cũng đưa ra giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm, trong đó sẽ tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đến năm 2010...

Trong khuôn khổ Chương trình đã đưa ra 2 chương trình nhánh cụ thể về phát triển công nghiệp phần mềm bao gồm chương trình hỗ trợ, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp phần mềm tại các địa phương có đủ điều kiện về nhân lực và hạ tầng, đặc biệt là tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM do UBND địa phương xây dựng và chỉ đạo Sở Bưu chính - Viễn thông triển khai thực hiện; Chương trình xây dựng và đẩy mạnh phát triển các Kcông nghiệp phần mềm tập trung tại Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng do UBND các thành phố trên xây dựng và chỉ đạo Sở Bưu chính - Viễn thông triển khai thực hiện.

Chương trình đã đưa ra hàng loạt các đề án và dự án cụ thể liên quan đến phát triển phần mềm do từng cơ quan chủ trì thực hiện. Đó là các dự án: Dự án đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Bộ Bưu chính - Viễn thông triển khai thực hiện; dự án xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho công nghiệp phần mềm Việt Nam, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường gia công, xuất khẩu phần mềm do Bộ Bưu chính - Viễn thông phối hợp với Bộ Thương mại và Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VINASA triển khai thực hiện; dự án phát triển một số sản phẩm và dịch vụ phần mềm trọng điểm của Việt Nam do Bộ Bưu chính - Viễn thông phối hợp với UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và VINASA triển khai thực hiện.

Một trong những điểm quan trọng được đặt ra trong Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm đến 2010 là Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư triển khai thực hiện Chương trình. Tổng kinh phí để thực hiện chương trình khoảng 70 triệu USD, trong đó 30% kinh phí từ ngân sách trung ương, 30% từ ngân sách các địa phương và 40% huy động từ các doanh nghiệp, các hiệp hội, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác.

Bộ Bưu chính - Viễn thông sẽ chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện chương trình này.