14:06 04/01/2011

Cử nhân Mỹ nợ như “chúa chổm”

An Huy

Sinh viên và cử nhân mới ra trường ở Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ vay ăn học

Sinh viên Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng nợ vay ăn học.
Sinh viên Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng nợ vay ăn học.
Ngồi trong phòng bếp của căn hộ chung cư đi thuê ở San Francisco, Kyle McCathy ngậm ngùi nói về khoản nợ vay học tập 72.000 USD của anh. Năm nay 28 tuổi và có bằng cử nhân, nhưng McCathy chỉ kiếm được công việc trong một cửa hàng sách gần đó.

Xuất hiện trong câu chuyện trên trang CNBC, McCathy cho biết, tiền lương anh kiếm được chỉ đủ sinh hoạt và trả tiền thuê nhà, trong khi đại lý thu nợ ngày nào cũng gọi anh đòi thanh toán. “Tôi chỉ có thể trả 50 USD mỗi tháng”, McCathy nói, và  cho hay, điều anh lo ngại nhất là đại lý thu nợ sẽ tìm gặp mẹ anh ở Maryland.

Theo CNBC, sinh viên và cử nhân mới ra trường ở Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ vay ăn học. Hãng tin này dẫn số liệu từ tổ chức phi lợi nhuận có thê “Project on Student Debt” cho biết, vào năm 2009, 67% số sinh viên tốt nghiệp ở Mỹ mang nợ, bình quân 24.000 USD mỗi người, tăng 6% so với năm 2008.

Đối với những sinh viên vay từ các tổ chức tư nhân, gánh nặng nợ nần thậm chí còn lớn hơn. Ngoài ra, con số trên còn chưa kể tới những khoản tiền mà phụ huynh của các sinh viên vay cho con cái ăn học.

Số liệu của tổ chức FinAid.org cho thấy, nợ vay học tập của người Mỹ giờ đã lần đầu tiên lớn hơn nợ thẻ tín dụng. Tổ chức này thậm chí mới đây còn thiết lập một đồng hồ đo nợ vay học tập của nước Mỹ, cho thấy loại nợ này đang gia tăng với tốc độ 2.853,88 USD mỗi giây. Với tốc độ này, dư nợ vay học tập của các sinh viên Mỹ sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2012.

“Nhu cầu vay tiền để đi học đã gia tăng đối với sinh viên thuộc mọi đối tượng ở tất cả các trường. Trong chi phí ăn học, tỷ lệ của số tiền sinh viên vay và gia đình bỏ ra ngày càng tăng, trong khi các khoản hỗ trợ giảm xuống”, bà Lauren Asher, Giám đốc tổ chức Project on Student Debt, cho biết. Cũng theo bà Asher, chi phí học tập ở Mỹ giờ đang tăng nhanh hơn nhiều so với thu nhập của các gia đình, các khoản trợ cấp và học bổng.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi phí học tập bậc đại học ở Mỹ đang gia tăng với tốc độ cao gấp 2-3 lần tốc độ lạm phát và tăng nhanh hơn cả chi phí y tế. Một phần nguyên nhân là do các bang ở Mỹ chịu áp lực về thâm hụt ngân sách, cắt giảm hỗ trợ cho các trường, buộc các trường phải tăng học phí.

Thị trường việc làm ảm đạm của Mỹ hiện nay càng khiến tình hình nợ nần của các sinh viên thêm tồi tệ. Một số ý kiến thậm chí đưa ra so sánh giữa cuộc khủng hoảng nợ của sinh viên Mỹ với cuộc khủng hoảng nhà đất của nước này.

Tuy nhiên, ở đây vẫn có một sự khác biệt lớn. Đối với vay thế chấp nhà, con nợ có thể dùng nhà gán nợ hoặc cùng lắm là nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nhưng đối với khoản vay học tập, các con nợ là cử nhân, thạc sỹ không thể “trốn” đi đâu được cho tới khi trả hết đồng cuối cùng.

Theo luật Mỹ, trừ một số hiếm trường hợp đặc biệt, người nợ vay học tập không thể được xóa nợ khi xin phá sản, đồng thời cũng có rất ít lựa chọn về đảo nợ hoặc tái cấu trúc khoản nợ đó. Thay vào đó, con nợ có thể bị thu lương, phong tỏa tiền hoàn thuế và phúc lợi xã hội, thậm chí mất giấy phép hành nghề.

Trong điều kiện suy thoái, số cử nhân Mỹ mắc kẹt với nợ vay học tập ngày càng tăng. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, số vụ vỡ nợ vay học tập đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2005.

Anh Alan Collinge cũng là một người vỡ nợ vay học tập, và đã thành lập một website ở địa chỉ studentloanjustice.org để những con nợ như anh có thể chia sẻ thông tin và an ủi lẫn nhau. Anh Collinge tiết lộ, anh biết ít nhất trên 30 người đã rời khỏi nước Mỹ để trốn nợ vay ăn học.

Anh Kyle McCarthy ở đầu câu chuyện này là một trong những người liên lạc với Collinge để đề nghị tư vấn. McCarthy bắt đầu gặp rắc rối chỉ 4 tháng sau khi tốt nghiệp Đại học San Francisco vào năm 2007. Ban đầu anh hy vọng tìm được công việc là huấn luyện viên thể thao trong các trường trung học, nhưng không may lại gặp chấn thương đầu gối trong một trận bóng đá. Với chấn thương này, McCarthy không thể tìm được việc làm trong khi thời hạn trả nợ vay ăn học đã tới.

Hiện nay, anh cũng không dám bỏ công việc ở cửa hàng sách để tìm việc tốt hơn, vì công việc này có bảo hiểm y tế, giúp anh chi trả cho dịch vụ vật lý trị liệu đầu gối. Ngoài ra, với điểm tín dụng thấp do vỡ nợ vay ăn học, anh cũng lo là mình không thể tìm được việc khác.

Nhiều cử nhân Mỹ khác cũng có câu chuyện tương tự như anh McCarthy. Cặp đôi Nick và Emily Hauptmann của Illinois kết hôn khi còn đang là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai vẫn tiếp tục đi học lên cao hơn, Emily học trợ lý luật sư, còn Rick chuẩn bị lấy bằng MBA. Hiện họ đang thất nghiệp và nợ 250.000 USD tiền vay ăn học.

Vợ chồng nhà Hauptmann cho hay, giờ đã đến lúc họ phải trả khoản vay trên. Mỗi tháng họ phải trả 1.760 USD, kéo dài trong 25 năm. Tổng số tiền phải trả sẽ là 528.000 USD, trong đó có 275.000 USD tiền lãi.

Chính phủ Mỹ đã có một số biện pháp tránh cho các cử nhân vỡ nợ đối với khoản vay từ thời sinh viên. Trong đó, có một chương trình cho phép con nợ giới hạn khoản tiền phải thanh toán hàng tháng ở một tỷ lệ nhất định so với thu nhập. Nếu con nợ trả nợ đều trong 25 năm, số nợ còn lại sẽ được xóa, nhưng bị đánh thuế thu nhập. Ngoài ra, khoản vay có thể được xóa sau 10 năm nếu người vay làm việc cho khu vực nhà nước.

Tuy nhiên, chương trình này có nhiều hạn chế. Chẳng hạn, chương trình chỉ áp dụng cho các khoản vay từ Chính phủ liên bang và trong trường hợp người vay chưa bị vỡ nợ. Các khoản vay từ các tổ chức tư nhân không nằm trong diện áp dụng của chương trình, trong khi ngày càng có nhiều sinh viên vay từ các tổ chức này.

Với đà leo thang của khủng hoảng nợ vay ăn học, các nhà chức trách Mỹ đang nỗ lực nhằm thay đổi các quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực này. Quốc hội Mỹ đang cân nhắc dự luật cho phép các con nợ vay học tập được phép nộp đơn xin bảo hộ phá sản.