Cú sốc dầu lửa Saudi Arabia có khiến FED hạ lãi suất sâu hơn?
Vụ tấn công mỏ dầu Saudi Arabia khiến ông Trump một lần nữa gây sức ép đòi FED hạ lãi suất mạnh hơn
Vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu lửa trọng yếu của Saudi Arabia hôm thứ Bảy đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa gây sức ép đòi Cục Dự Trữ Liên bang (FED) giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn.
FED nên thực thi "một đợt giảm lãi suất mạnh, tung biện pháp kích cầu" trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra tuần này - ông Trump kêu gọi trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter ngày 16/9. Cuộc họp định kỳ của FED sẽ bắt đầu vào ngày thứ Ba và kết thúc vào ngày thứ Tư.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, tiền lệ lịch sử và tình hình năng lượng đang thay đổi ở Mỹ là cơ sở để tin rằng FED sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 0,25% như dự báo hiện tại của thị trường, thay vì đưa ra một mức cắt giảm lớn hơn.
FED đã từng hạ lãi suất trong những lần nước Mỹ lâm khủng hoảng trước kia, bao gồm vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 hay vụ sụp đổ "ngày thứ Sáu đen tối" trên thị trường tài chính Phố Wall hồi thập niên 1980. Tuy nhiên, động thái phản ứng khi đó của FED đều nhằm xử lý rủi ro lớn trên thị trường tài chính - mối nguy có thể đặt ra hiểm họa lớn hơn cho nền kinh tế.
Chẳng hạn, khủng hoảng có thể làm cho các ngân hàng và công ty tài chính siết chặt hoạt động cho vay, khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng khan hiếm thanh khoản. Trong những tháng sau vụ 11/9, FED đã hạ lãi suất tổng cộng 1,75%, đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Hiện chưa rõ vụ tấn công mỏ dầu Saudi Arabia sẽ có ảnh hưởng lớn cỡ nào. Mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào việc Saudi Arabia mất thời gian bao lâu để khôi phục lại phần sản lượng dầu mất mát, và liệu vụ tấn công có dẫn tới một cuộc xung đột trên diện rộng ở Trung Đông.
Cho tới thời điểm hiện tại, ngoài giá dầu tăng mạnh, thị trường tài chính có phản ứng khá dè dặt. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ chỉ giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm không đáng kể.
Mức biến động này chưa tới độ cần thiết đòi hỏi sự can thiệp của ngân hàng trung ương. Bởi vậy mà giới giao dịch ở Phố Wall hầu như không thay đổi kỳ vọng rằng FED sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này.
Thậm chí, khi cú sốc dầu lửa xảy ra với nước Mỹ vào thập niên 1970 do lệnh cấm vận của các nước Arab và cách mạng Hồi giáo Iran, FED đã làm điều hoàn toàn ngược lại so với những gì mà ông Trump đang đòi hỏi hiện nay. Khi đó, FED đã nâng lãi suất lên mức cao kỷ lục để kiềm chế lạm phát, chấp nhận để nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái sâu.
Trong những năm gần đây, quan điểm của FED đối với biến động giá dầu là không mấy chú trọng. Lý do là bởi lạm phát của Mỹ duy trì ở mức thấp và ảnh hưởng của giá dầu đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ không còn lớn như trước, do Mỹ đã đạt được sự chủ động về nguồn cung năng lượng thay vì phụ thuộc vào dầu nhập khẩu như trước kia.
Việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, cùng với vai trò thống lĩnh của ngành dịch vụ trong nền kinh tế Mỹ đã làm suy yếu mối liên kết giữa lạm phát ở Mỹ với diễn biến giá dầu. Máy móc ở Mỹ ngày nay sử dụng ít năng lượng hơn, và ngày càng có nhiều hoạt động trong nền kinh tế Mỹ là những ngành nghề có mức độ tiêu hao năng lượng thấp, như lập trình máy tính hay y tế.
Bên cạnh đó, cho dù người tiêu dùng và một số doanh nghiệp Mỹ có thiệt hại vì giá xăng dầu tăng, các công ty năng lượng nước này sẽ "ăn nên làm ra", tạo nên một "cú huých" bù đắp cho nền kinh tế thông qua việc tăng đầu tư vào các dự án khai thác dầu và tuyển dụng thêm nhiều nhân công cho các mỏ dầu.