21:42 19/07/2018

Cửa hàng tạp hóa Việt đang thiếu tự tin vào ngành bán lẻ

Duyên Duyên

Mức độ tự tin của các cửa hàng tạp hóa truyền thống vào ngành bán lẻ và tình trạng kinh doanh của họ trên khắp Việt Nam đang ở mức thấp trong 2 năm qua

Kênh thương mại truyền thống đóng góp gần 10 tỷ USD trong ngành hàng tiêu dùng nhanh - Ảnh minh họa
Kênh thương mại truyền thống đóng góp gần 10 tỷ USD trong ngành hàng tiêu dùng nhanh - Ảnh minh họa

Với hơn 1,4 triệu cửa hàng ở Việt Nam, kênh thương mại truyền thống là kênh lớn nhất cả về số lượng cửa hàng và về đóng góp doanh thu vào cho ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tuy nhiên, niềm tin của họ vào thị trường đang ngày càng giảm sút.

Một nghiên cứu mới của Công ty Nielsen cho thấy, ở khu vực thành thị, kênh thương mại truyền thống đóng góp khoảng 83% tổng doanh thu, tương đương gần 10 tỷ USD trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Con số này cho thấy vai trò quan trọng của kênh thương mại này trong một thị trường cạnh tranh như Việt Nam.

Tuy nhiên theo khảo sát của công ty này, mức độ tự tin của các cửa hàng tạp hóa truyền thống vào ngành bán lẻ và tình trạng kinh doanh của họ trên khắp Việt Nam đang ở mức thấp trong 2 năm qua, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Cụ thể, chỉ số niềm tin các nhà bán lẻ truyền thống giảm nhẹ xuống 68 điểm, so với mức 69 điểm trong quý 1/2017. Các nhà bán lẻ của kênh thương mại truyền thống cũng bày tỏ mối quan tâm lớn về sức mua hàng của người tiêu dùng, lưu lượng người tiêu dùng đến cửa tiệm và sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ khác.

"Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ (RCI) trung bình ở mức 100. Nếu chỉ số trên mức 100, các nhà bán lẻ tự tin. Nếu chỉ số dưới mức 100, các nhà bán lẻ không tự tin. Dựa trên mức đo lường này, chỉ số niềm tin các nhà bán lẻ kênh thương mại truyền thống của Việt Nam thấp dưới mức 100 thì chứng tỏ họ chưa có sự lạc quan về tiềm năng của thị trường bán lẻ và cần nhiều sự hỗ trợ hơn để tăng sức ủng hộ của người tiêu dùng tại cửa tiệm", ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, giải thích.

Cũng theo ông Dũng, trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong quý đầu tiên thì chỉ số niềm tin nhà bán lẻ lại khá trì trệ. Điều này có nghĩa là sự lạc quan mà người tiêu dùng đã có về tình trạng tài chính của họ không dẫn đến sự gia tăng về sức mua của người tiêu dùng ở kênh thương mại truyền thống.

"Chi tiêu của người tiêu dùng hiện đang ưu tiên rót vào những khoản lớn hơn, những mục mà chúng tôi thấy có sự tăng trưởng mạnh mẽ như du lịch, xe máy, điện thoại, đồ gia dụng...

Khi các nhà bán lẻ là chiến tuyến để phân phối sản phẩm của bất cứ thương hiệu nào đến tay người tiêu dùng, thì các nhà sản xuất nên hiểu rõ mối lo ngại và sự quan tâm của các nhà bán lẻ để giúp họ phát triển việc kinh doanh và nâng cao năng lực phân phối sản phẩm", ông Dũng nói thêm.

Được biết, báo cáo Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ của Nielsen dựa trên kết quả phỏng vấn trực tiếp với hơn 800 cửa hàng tạp hóa truyền thống (có ít nhất 30 loại hàng hóa) trên khắp Việt Nam.