Góp ý dự thảo Luật Thương mại điện tử
Dự thảo Luật Thương mại điện tử dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10,11 tới đây, hướng tới mục tiêu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới...

Ngày 22/6 Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Luật Thương mại điện tử. Dự thảo Luật được thiết kế bao gồm 7 Chương, 55 Điều.
Dự thảo tập trung vào một số nội dung như: Quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng trong thương mại điện tử. Xác lập quy định đầy đủ về quá trình giao kết hợp đồng điện tử như: đề nghị, xác nhận, thời điểm giao kết, chấm dứt hợp đồng.
Bổ sung các quy định về giao kết hợp đồng thông qua chức năng “đặt hàng trực tuyến” trên các nền tảng thương mại điện tử.
Mặt khác, dự thảo quy định về các mô hình nền tảng thương mại điện tử và điều kiện hoạt động, như nền tảng kinh doanh trực tiếp (chủ quản vừa là đơn vị cung cấp nền tảng, vừa trực tiếp bán hàng); nền tảng trung gian (chỉ cung cấp môi trường cho bên bán và bên mua giao dịch); mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử; nền tảng tích hợp đa dịch vụ; hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Những quy định về phát triển thương mại điện tử và dịch vụ hỗ trợ: Định hướng phát triển thương mại điện tử quốc gia thông qua chiến lược, chương trình, tài chính hỗ trợ; thúc đẩy thanh toán đảm bảo, thương mại điện tử xanh, thương mại số và xuất khẩu qua thương mại điện tử; điều chỉnh hoạt động của các dịch vụ hỗ trợ như logistics, trung gian thanh toán, tiếp thị liên kết, chứng thực hợp đồng điện tử.
Dự thảo đưa ra quy định về quản lý dữ liệu và nền tảng số trong thương mại điện tử: Thiết lập nền tảng quản lý hoạt động thương mại điện tử quốc gia; Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và hoạch định chính sách.
Đặc biệt, dự thảo đề cập tới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp, gồm: Cơ chế xử lý tranh chấp thương mại điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường trách nhiệm của các nền tảng trong việc phối hợp xử lý vi phạm.
Đồng thời phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thương mại điện tử; bổ sung chế tài đối với các hành vi vi phạm như bán hàng giả, không tuân thủ quy định về dữ liệu, hoạt động trái phép của nền tảng nước ngoài.
Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo luật thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết Quốc hội đã thống nhất cho đăng ký xây dựng Đề án thương mại điện tử, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10, 11 tới đây, hướng tới mục tiêu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, thương mại điện tử trở thành phương thức kinh doanh không thể thiếu để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tối ưu hóa hoạt động.
Đặc biệt, với đặc thù linh hoạt, quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận khách hàng toàn quốc – thậm chí toàn cầu với chi phí thấp hơn nhiều so với kênh truyền thống.
Nhu cầu này càng trở nên cấp bách khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng kênh phân phối số, tối ưu trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa phương thức thanh toán.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử còn giúp kinh tế tư nhân tăng hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận hành và nhanh chóng thích ứng với biến động thị trường.
"Do đó, hoàn thiện thể chế, bổ sung các chính sách về phát triển thương mại điện tử nói chung và cho khu vực kinh tế tư nhân là một nhu cầu cấp thiết để kinh tế tư nhân bắt kịp xu thế, phát huy tiềm năng và khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số", ông Tân nhấn mạnh.
Tại hội thảo ông Trần Trọng Tuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhấn mạnh tới sự cần thiết của Luật Thương mại điện tử mới.
Theo VECOM, Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2025 cho thấy quy mô thương mại điện tử nước ta năm 2024 đạt 32 tỷ USD và đạt tốc độ tăng trưởng 27%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 22,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.
Góp ý dự thảo, ông Tuyến nhấn mạnh tới các quy định cần thiết trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh và bền vững và phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử.
Đại diện Shopee đề xuất bổ sung vào dự thảo yêu cầu doanh nghiệp nhận ủy quyền từ nền tảng nước ngoài phải có ý kiến đồng ý từ Bộ Công an nhằm đảm bảo an ninh mạng và trách nhiệm pháp lý rõ ràng.
Hơn nữa, chỉ cho phép mỗi nền tảng quốc tế có một đối tác ủy quyền duy nhất tại Việt Nam tránh tình trạng một doanh nghiệp nhận ủy quyền rồi chuyển quyền khi bị xử phạt.
Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính đề xuất xây dựng cổng thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới do Ngân hàng Nhà nước chủ trì. Thông qua cổng này, việc truy vết dòng tiền sẽ hiệu quả hơn, xử lý được vướng mắc trong xác định doanh thu và nghĩa vụ thuế giữa các nhà cung cấp trong – ngoài nước.