Hạ tầng và chiến lược: Động lực kép đưa logistics Việt Nam vươn tầm
Với đà tăng trưởng và nền tảng vĩ mô ổn định, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến logistics của khu vực. Tuy nhiên, “bài toán” về hạ tầng, chi phí và hiệu quả vận hành vẫn là rào cản lớn cần sớm tháo gỡ nếu muốn bứt phá trong chuỗi cung ứng toàn cầu…

Tại tọa đàm với chủ đề “Ứng phó với biến động thương mại toàn cầu – Vai trò đang lên của Việt Nam trong kết nối logistics và chuỗi cung ứng” ngày 1/7, các chuyên gia nhận định từ năm 2012 đến nay, GDP Việt Nam đã tăng hơn ba lần, FDI đổ mạnh vào công nghệ cao, thương mại điện tử phát triển vượt bậc góp phần định hình lại cấu trúc kinh tế. Logistics từ vai trò hỗ trợ đã trở thành ngành tăng trưởng nhanh, gắn chặt với xuất khẩu và đầu tư.
Trong bối cảnh đó, phát triển cảng biển, thúc đẩy mô hình cảng xanh, logistics đa phương thức và ứng dụng công nghệ đang là trọng tâm được đẩy mạnh.
TĂNG TRƯỞNG ĐƯỢC THÚC ĐẨY TỪ NỀN TẢNG VĨ MÔ VÀ LÀN SÓNG FDI CÔNG NGHỆ CAO
Theo ông Nelson Wu, Giám đốc Điều hành, Vietjet Air Cargo, quy mô GDP của Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong hơn một thập kỷ. Từ 125 tỷ USD vào năm 2012, đến nay GDP Việt Nam đã vượt mốc 470 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á. Sự bứt phá này là minh chứng rõ nét cho những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Foxconn đều mở rộng đầu tư với quy mô hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng… cho các dự án liên quan đến thiết bị điện tử và linh kiện.
Mặt khác, ông Tony Anh, Phó Tổng Giám đốc ITL Corporation kiêm Tổng Giám đốc ITL Aviation Logistics, cho rằng miền Bắc đang trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, trong khi miền Nam vẫn là trọng điểm của ngành may mặc và chế biến.
“FTA và FDI được nhận định là “xương sống” thúc đẩy công nghiệp Việt Nam hội nhập. Với 17 FTA đã ký kết, Việt Nam chấp nhận mở cửa mạnh mẽ thị trường nội địa để đổi lại vai trò trung tâm sản xuất và trung chuyển của khu vực”, ông Tony Anh nhận định.
Cùng với đó, thặng dư thương mại liên tục từ năm 2018 phản ánh năng lực sản xuất, xuất khẩu ngày càng nâng cao, đòi hỏi hệ thống logistics phải theo kịp để giữ nhịp tăng trưởng.
Cùng quan điểm, ông Nelson Wu cho biết sự bùng nổ của thương mại điện tử với số lượng bưu kiện tăng từ 1,2 triệu lên 8 triệu đơn/ngày chỉ sau 7 năm đang tạo sức ép lớn lên hạ tầng logistics, từ cảng biển đến mạng lưới phân phối.
NÂNG TẦM VỊ THẾ TRUNG TÂM LOGISTICS: “BỆ PHÓNG” HẠ TẦNG VÀ CHIẾN LƯỢC
Theo nhận định của các chuyên gia, sự tăng trưởng ấn tượng từ nền tảng vĩ mô và dòng vốn FDI đã tạo ra một “cú hích” khổng lồ cho ngành logistics. Tuy nhiên, đằng sau tốc độ phát triển này là những “bài toán” cấp thiết về chi phí, hiệu quả và hạ tầng, buộc toàn ngành phải bước vào một cuộc chuyển mình mạnh mẽ.
Theo ông Nelson Wu, những năm gần đây, tăng trưởng logistics của Việt Nam được đánh giá là gần gấp đôi tốc độ tăng GDP với khoảng 14%/năm. Song, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn ở mức 16 – 17% GDP, cao hơn mức trung bình của ASEAN (13%). Nguyên nhân chủ yếu đến từ các điểm nghẽn hạ tầng và hạn chế kết nối đa phương thức. Dù vậy, điều này cho thấy vẫn còn dư địa để cải thiện.
Tín hiệu tích cực là hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, với kế hoạch chi 50 tỷ USD đến năm 2030. Trong đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đi vào hoạt động vào năm sau, bổ sung 1,2 triệu tấn công suất hàng hóa, tương đương tổng công suất hàng không hiện tại của khu vực miền Nam.
Đồng thời, hệ sinh thái cảng biển Việt Nam đang có những tiên phong chuyển đổi nhanh và chuyên nghiệp. Ông Trương Nguyễn Linh, Phó Tổng Giám đốc Cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT), cho biết những dự án lớn như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở phía Nam và cảng Lạch Huyện ở phía Bắc tiếp tục được đầu tư mở rộng. Cùng với sự hợp tác với các đối tác nước ngoài, hệ thống cảng biển của Việt Nam đang dần hình thành mạng lưới quy mô, hiện đại, kết nối với các tuyến vận tải khu vực và toàn cầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Nguyễn Linh cho rằng một trong những định hướng lớn hiện nay là chuyển đổi cảng theo mô hình “cảng xanh”, sử dụng năng lượng sạch, cải tạo thiết bị cũ, giảm phát thải và đạt các chứng chỉ ISO về môi trường và sức khỏe.
Bên cạnh đó, do hạn chế luồng tàu trên kênh Sài Gòn – Vũng Tàu, VICT cũng đã phải nghĩ đến hợp tác chiến lược và đầu tư công nghệ để duy trì năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp không ít rào cản về vốn đầu tư và thời gian phê duyệt. “Nhưng nếu không cải tiến kịp, chúng ta có thể mất cơ hội kinh doanh”, đại diện VICT thẳng thắn nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, với nền tảng vĩ mô ổn định, làn sóng FDI chất lượng cao và bước tiến trong logistics, Việt Nam đang có cơ hội vươn lên thành trung tâm sản xuất, trung chuyển mới của khu vực. Nếu tiếp tục cải thiện hạ tầng và nâng cao hiệu quả vận hành, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thập kỷ tới.
Với 14 khu công nghiệp mới được công bố trong quý 1/2025 và tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử dự kiến đạt 16 - 30% mỗi năm, Việt Nam đang không ngừng mở rộng mạng lưới logistics đa phương thức. Qua đó, củng cố vai trò là mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng khu vực.
Trong bối cảnh đó, các sự kiện quốc tế như “Transport Logistic Southeast Asia” và “Air Cargo Southeast Asia” (tlacSEA) được tổ chức nhằm thúc đẩy kết nối, hợp tác và chia sẻ giải pháp giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Dự kiến, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 29 đến 31/10/2025 tại Singapore, với sự tham dự của hơn 10.000 khách và hơn 300 đơn vị triển lãm trong các lĩnh vực logistics, vận tải biển và hàng không. Bao gồm nhiều tập đoàn hàng đầu như: Google, Bosch, Mondelez, Etihad Airways, Qatar Airways Cargo, Siemens Digital Logistics…