Đã vượt chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm nay
Kết thúc năm 2019, quy mô lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ còn vượt chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao hơn nữa
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), 11 tháng năm 2019 có 132.802 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đặt ra là đưa 120.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Chỉ tính riêng trong tháng 11, các doanh nghiệp đã cung ứng được 14.772 lao động, tăng 2,58% so với cùng kỳ.
Tổng quan thị trường tiếp nhận lao động phân theo khu vực cho thấy, khu vực Đông Bắc Á vẫn dẫn đầu về tỷ trọng lao động Việt Nam đi làm việc. Cụ thể, trong 11 tháng qua, tổng số lao động đi làm việc tại khu vực này là 128.685 người, chiếm tỷ trọng 96,90% tổng số đưa đi, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lao động đi làm việc tại Đài Loan là 49.980 người, chiếm 38,84% số lao động đưa đi trong khu vực này và chiếm 37,63% so với tổng số lao động đưa đi so với cùng kỳ, giảm 12,72% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận 4.544 người. Riêng tháng 11 tiếp nhận 4.590 người, tăng 8,87% so với tháng 10 liền kề.
Lao động đưa đi tại thị trường Nhật Bản là 71.156 người, tăng 16,64% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng đi được 6.479 người. Trong tháng 11, con số này là 9.219 người. Đây là lần đầu tiên quy mô lao động/tháng sang Nhật Bản cao nhất so với các tháng trong các năm qua.
Hàn Quốc cũng là thị trường thu hút nhiều lao động đi làm việc với 6.940 người, bình quân mỗi tháng thị trường này tiếp nhận 631 người.
Bên cạnh đó, Macao là thị trường có sự tăng trưởng khá tốt khi 11 tháng đưa được 348 người, tăng 43,80% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường khác tại khu vực này vẫn còn số lượng tiếp nhận ít là Trung Quốc và Hồng Kông.
Với khu vực Đông Nam Á, 11 tháng qua có 584 lao động Việt Nam đi làm việc, chiếm 0,44% tống số lao động đưa đi, giảm 46,72% quy mô so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chỉ có 5 thị trường tiếp nhận lao động sang làm việc là Malaysia, Singapore, Philippine, Thái Lan và Campuchia.
Thị trường các nước khu vực Trung Đông tiếp nhận 1.404 lao động, chiếm 1,05% tổng số lao động đưa đi.
Các doanh nghiệp cung ứng lao động đi cho 6 thị trường, ngoài Ả Rập Xê-Út có số lượng tiếp nhận lớn nhất là 1.101 người, AUE với 103 người thì các thị trường còn lại có số lượng lao động đi làm việc rất khiêm tốn, chủ yếu dưới 100 người là Quatar, Cô oét, Bârain và O man. Cả 6 thị trường này đều có sự sụt giảm lao động đáng kể.
Riêng số lao động đi làm việc tại các nước Bắc Phi chỉ đến Algieri với 350 người, chiếm 0,26% thị phần các khu vực có lao động Việt Nam.
Đối với thị trường khu vực các nước Châu Âu tiếp nhận 1.693 người, dù mới chiếm 1,27% tổng số lao động đưa đi các nước, song ghi nhận có sự tăng trưởng 2,23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, một số nước có quy mô tiếp nhận đáng kể là: Rumani, Slovakia, Ba Lan và Liên Bang Nga. Một số thị trường như: Bungari, Italia, Hungari…tiếp nhận lao động Việt Nam với quy mô cũng còn khiêm tốn.
Lao động đi làm việc tại các thị trường khác qua 11 tháng chỉ chiếm 0,08% tổng số lao động đưa đi. Trong đó thị trường tiếp nhận đáng kể là Hoa Kỳ, tuy nhiên hiện số lao động này có việc làm ổn định và thu nhập tốt.
Theo đánh giá của VAMAS, 11 tháng năm 2019 có 35 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, nhưng chỉ có 5 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Rumaia và Ả Rập Xê Út.
Riêng hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản có số lao động đưa đi trong 11 tháng chiếm 91,21% tổng số đưa đi của cả nước.
Nhìn chung, các thị trường tiếp nhận lớn lao động Việt Nam vẫn tập trung vào các nước (lãnh thổ) thuộc khu vực Đông Bắc Á, so với năm 2018, ngoài quy mô lao động tăng đáng kể vào thị trường Nhật Bản thì khu vực Châu Âu, đặc biệt Rumania đang là thị trường được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
VAMAS nhận định, với số lượng đưa đi của 11 tháng qua đã vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đặt ra, kết thúc năm 2019 chắc chắn quy mô lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ còn vượt chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao hơn nữa.