Đại biểu gọi chạy chức chạy quyền là “virus”
“Chế thuốc trị loại virus này, đưa ra phác đồ, quyết sách tấn công phải là cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước”
Sáng 29/3, Quốc hội đã thảo luận về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, trong đó có báo cáo của Thủ tướng, Chính phủ.
Bên cạnh sự ghi nhận sự điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ, nhiều vị đại diện của dân cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém nhiệm kỳ qua.
Trong đó, có việc tham nhũng còn nghiêm trọng, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, trên bảo dưới làm lơ hay bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu lực hiệu quả…
Cùng quan điểm với một số vị, đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) nhìn nhận, thế chế và cơ chế hiện nay chằng chịt, chồng lấn nhiều vấn đề, quan hệ, nên không thể đổ lỗi hết cho Chính phủ về những hạn chế, tồn tại của đất nước.
Chẳng hạn, về biên chế hoạt động của bộ máy nhà nước, ông Đương cho rằng, hiện tượng “phình” ra, số người sống dựa vào ngân sách là từ các khối cơ quan khác nhau.
Ngân sách tính riêng cho việc chi lương đã khoảng 400.000 tỷ đồng/năm, tính chung cả khối viên chức, lực lượng vũ trang thì tới 1 triệu tỷ đồng/năm. “Như thế là bằng thu ngân sách của cả năm, ăn hết rồi còn đâu chi đầu tư phát triển”, ông Đương bình luận.
Nhưng biên chế tăng có phần do luật. Dẫn chứng được đại biểu này đưa ra, là riêng việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã làm phát sinh thêm 22.000 biên chế ở hội đồng nhân dân các cấp.
“Như thế thì làm sao giảm được, trong khi đó, việc rà soát để tinh giản biên chế lại chỉ đưa ra con số 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ?”, ông Đương phân tích.
Vị đại biểu này cho rằng phải suy nghĩ lại, tiếp tục sửa quy định, đánh giá để cắt giảm bộ máy nhà nước một cách quyết liệt. Thực hiện nhất thể hoá các chức danh trong Đảng và chính quyền cũng là một hướng gợi ý để làm bộ máy gọn nhẹ hơn, tránh nói một đằng, làm một nẻo, và sợ trách nhiệm.
Ông Đương cũng nói, nên sáp nhập, liên kết các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách, để “hạn chế những tầng lớp trung gian, không trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm xã hội mà chỉ sống dựa vào Nhà nước”.
Vẫn liên quan đến bộ máy và cán bộ, đại biểu Đương đặt vấn đề: dư luận râm ran về chạy chức chạy quyền, người dân đang đặt câu hỏi đó có phải là sự thật, vì sao người ta thích chạy, và vì sao chạy được đến giờ, vẫn chưa có lời giải đáp?
“Chạy” dẫn đến nhiều bất công rất lớn. Cuộc đời còn nhiều người trong sáng, trong sạch, nhưng như cá ở trong nước trong thì sẽ nhìn thấy rõ, sẽ bị cô lập và không còn ai chơi với”, ông Đương nói.
Và như thế, ông cho rằng đánh giá công chức khó nhìn nhận trên khía cạnh đạo đức, cảm tính, mà phải nhìn bằng sản phẩm họ làm ra được, để không cào bằng người làm được việc và người khéo léo, lấp liếm.
Các tiêu chí xem xét với mỗi khối cơ quan, theo ông Đương, cần định rõ như với Chính phủ phải xem đã thực hiện đúng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư chưa. Với toà án, viện kiểm sát phải đối chiếu với yêu cầu về sự công minh chính trực. Còn việc đánh giá Quốc hội, đại biểu Quốc hội, thì phải xem đã gần dân, thương dân, hành động theo nguyện vọng, lợi ích của người dân chưa…
Đai biểu Đương cũng đề nghị cần xem lại xem có việc chạy chức, chạy quyền không, vì nếu có thì đó không chỉ là là chỗ tham nhũng lớn, mà còn là nơi đẻ ra tham nhũng, vì khi đã bỏ tiền “mua”, thì người “đầu tư” sau đó ắt phải vơ vét để bù lại.
“Chế thuốc trị loại virus này, đưa ra phác đồ, quyết sách tấn công phải là cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước - Bộ Chính trị, Trung ương Đảng - vì cả cơ thể vi khuẩn, virus đã xâm chiếm nhiều quá rồi, nếu không bốc thuốc đúng, virus kháng thuốc thì còn phát triển hơn nữa”, ông Đương nói.
Được bố trí thời gian cả ngày để thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, song gần hết buổi sáng đã không còn đại biểu nào đăng ký phát biểu.
Vậy nên, Quốc hội nghỉ chiều 29/3.