00:04 09/07/2025

Xác định các “điểm nghẽn” pháp luật để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Như Nguyệt

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhắc đến 3 nhóm điểm nghẽn pháp luật. Đó là quy định pháp luật còn “mâu thuẫn, chồng chéo”, “không khả thi”, “tạo ra gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân, không khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”....

Sự kiện do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương. Ảnh: Trí Phong.
Sự kiện do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương. Ảnh: Trí Phong.

Chiều 8/7, tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới”, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề cải cách thể chế.

Trao đổi tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho rằng về chủ trương, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới khẳng định, thể chế là “đột phá của đột phá”. Tổng bí thư Tô Lâm tại cuộc họp ngày 5/6/2025 của Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện pháp luật đã yêu cầu cần rà soát khó khăn vướng mắc của pháp luật và cơ bản giải quyết trong 2025.

Tổng bí thư Tô Lâm cũng khẳng định đây không phải là mục tiêu mà là “mệnh lệnh chính trị”; như vậy mới có thể tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số từ năm 2026.

Tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW đổi từ tư duy thiên về quản lý sang kiến tạo và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành 28 Nghị định về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành về địa phương để các bộ, ngành tập trung hoạch định chính sách và kiểm tra, giám sát. Chủ trương đã có, vậy cách làm như nào?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh muốn tăng trưởng kinh tế thì cần cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay để thực hiện nhiệm vụ này. Ảnh: Trí Phong.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh muốn tăng trưởng kinh tế thì cần cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay để thực hiện nhiệm vụ này. Ảnh: Trí Phong.

Theo Thứ trưởng, có 2 nhóm vấn đề chính đó là phải xử lý các vướng mắc trong nhóm các “luật đinh”. Ngoài các luật là Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Địa chất khoáng sản… còn có một số luật khác như Luật Đầu tư, Bộ Tài chính có báo cáo sửa toàn bộ Luật Đầu tư vào tháng 10/2025.

Tuy nhiên, nếu dùng cách sửa các luật thì sẽ không đầy đủ, không giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc, vừa qua Bộ Tư pháp tham mưu trình Chính phủ Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Tinh thần của Nghị quyết 206 là Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm để có thể sửa các luật.

Trên cơ sở đó, hiện nay Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành tổ chức rà soát các khó khăn vướng mắc do quy định pháp luật.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng nhắc đến 3 nhóm “điểm nghẽn” pháp luật, đó là quy định pháp luật còn “mâu thuẫn, chồng chéo”, “không khả thi”, “tạo ra gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân, không khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Để xác định các điểm nghẽn này, Bộ Tư pháp đã ngồi với các hiệp hội doanh nghiệp và xác định có “6 nguồn” bao gồm việc tự rà soát của các bộ ngành, rà soát của các địa phương, rà soát qua các hiệp hội, các doanh nghiệp và qua các cơ quan tố tụng, điều tra, thanh tra, kiểm tra, luật sư, luật gia và ứng dụng công nghệ thông tin.

Do đó, Bộ Tư pháp đã khai trương Cổng Pháp luật quốc gia để tiếp nhận vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

“Quan trọng nhất vẫn là phải rà soát các điểm nghẽn pháp luật qua kênh các hiệp hội, doanh nghiệp lớn. Chúng tôi mong muốn nhận được các ý kiến cụ thể”, ông Tú nói thêm và nhấn mạnh muốn tăng trưởng kinh tế thì cần cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay để thực hiện nhiệm vụ này.

TS. Võ Trí Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trí Phong.
TS. Võ Trí Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trí Phong.

Tại diễn đàn, TS Võ Trí Thành có nhắc đến hai cuộc cách mạng kép là cuộc cách mạng “xanh và số” và cuộc cách mạng thể chế.

“Chúng ta vừa phải sửa các luật rồi kể cả luật chuyên ngành…. Nhưng chúng ta đang chuẩn bị cho thị trường với những khuôn khổ pháp lý mới như Luật dữ liệu trong đó có dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới… Vì vậy phải đặt ra vấn đề cải cách thể chế.

Do đó, TS Võ Trí Thành đưa ra một số kiến nghị như về chuyển đổ số cần có cách quản lý mới, cần linh hoạt, nhanh, thí điểm, học hỏi, cải tiến. Ông Thành cũng đưa các từ khóa là “linh hoạt, tốc độ, thử làm, cải tiến”.

Về chính sách công nghiệp thì “đừng lấy ngành làm cái nhìn trung tâm, mà hãy nhìn công nghệ làm trung tâm để lan tỏa”. Ngoài ra, TS Võ Trí Thành cũng kiến nghị cần phải cải thiện số liệu thống kê.

Đặc biệt, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh cần phải cải cách giáo dục trong kỷ nguyên mới. Cần nhân rộng mô hình đại học - doanh nghiệp. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mà hướng tới đóng góp cho tăng trưởng GDP, thương mại hóa công nghệ.