22:17 14/11/2008

Đại biểu Quốc hội tranh luận về án tử hình

Minh Thúy

Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình bỏ án tử hình đối với tội tham ô, song cũng có ý kiến ngược lại

Đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, chưa đồng tình với đề nghị bỏ hình phạt tử hình ở 17/29 điều luật cụ thể.
Đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, chưa đồng tình với đề nghị bỏ hình phạt tử hình ở 17/29 điều luật cụ thể.
“Giết người không dao” cũng phải tử hình. Đây là ý kiến của đại biểu Triệu Mùi Nái (Hà Giang) tại phiên thảo luận của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, sáng 14/11.

Đại biểu Nái không đồng tình bỏ hình phạt tử hình ở thời điểm hiện nay với các tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh ở Điều 157. Vì “đây là tội ác giết người không dao để thu lợi bất chính”.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần này chủ yếu tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất của thực tiễn, chứ chưa sửa đổi toàn diện, điều này được các đại biểu nhất trí cao.

Tuy nhiên, đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, chưa đồng tình với đề nghị bỏ hình phạt tử hình ở 17/29 điều luật cụ thể. Đây cũng là nội dung được thảo luận sôi nổi, kỹ càng nhất.

Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình bỏ án tử hình đối với tội tham ô, hối lộ, tội phạm chiến tranh, tội chống loài người…

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nói: "Qua tiếp xúc, tôi chưa thấy một cử tri nào đồng tình với việc bỏ án tử hình đối với người phạm tội tham ô và nhận hối lộ".

Theo ông Xuân, “phải tử hình người có tội danh này là vì hậu quả nghiêm trọng gây ra chứ không phải số tiền lớn mà chiếm đoạt được. Cho nên, trong yếu tố luận khung luận tội thì ta phải kết hợp cả hai cái tức là tham ô với số tiền lớn và gây hậu quả nghiêm trọng chứ không phải một hoặc trong hai yếu tố. Nếu làm được như vậy cũng vừa đảm bảo tính nhân đạo nhưng cũng có tính răn đe rất cao”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái ngược. Đại biểu Lương Phan Cừ (Đắc Nông) nêu quan điểm bỏ tử hình đối với nhóm tội phạm kinh tế. “Tôi cho rằng đối với tội phạm kinh tế chúng ta phải có một cách nhìn nhận khác hơn”, ông Cừ nói.

Đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội sử dụng trái phép chất ma túy,  tàng trữ vận chuyển trái phép ma túy cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Theo ông Bế Xuân Trường (Bắc Kạn), đây là  nguyên nhân gây ra những tội phạm nguy hiểm. Hàng năm Chính phủ phải bỏ ra trên 300 tỷ đồng cho các trung tâm cai nghiện của các tỉnh để giải quyết vấn đề này nhưng hiệu quả không cao. Do vậy đấu tranh tận gốc thì cẩn tử hình  những kẻ đưa ma túy vào Việt Nam.

Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) cho rằng bỏ tử hình với tội tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt trái phép chất ma túy “là một bước thụt lùi của chính sách hoàn thiện pháp luật trong thời kỳ đổi mới” chỗ này hết sức cân nhắc.

Vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng được nhiều đại biểu thảo luận. Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu trên thực tế đã xảy ra khá nhiều loại tội phạm do pháp nhân thực hiện nhưng pháp luật hình sự của chúng ta đành bó tay vì chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Điển hình là tội gây ô nhiễm môi trường, tội trốn thuế, một số tội về kinh tế, chứng khoán... Nếu cá thể hóa trách nhiệm hình sự để xử lý cá nhân thì không phù hợp với loại tội phạm này, vì vậy nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bà nói.

Nhiều ý kiến đồng tình với đại biểu Nga song cũng đề nghị cần nghiên cứu thật kỹ.

Một số ý kiến đề nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số hành vi mà đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội như buôn bán thai nhi, buôn bán các bộ phận nội tạng của người sống hoặc thi thể người chết...