Danh sách 7 người vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa mới
Ngoài ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, 5 nhân vật còn lại đều là những gương mặt mới
Trung Quốc ngày 25/10 đã công bố danh sách khóa mới Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của nước này.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới bao gồm 7 thành viên là ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Trung Quốc; ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc; cùng các ông Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế, và Hàn Chính.
5 nhân vật mới
Việc công bố danh sách các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới đánh dấu cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo hai lần mỗi thập kỷ của Trung Quốc, diễn ra sau khi Đảng Cộng sản nước này bế mạc Đại hội lần thứ 19 vào ngày 24/10.
Ngoài ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường là hai thành viên Ban Thường vụ khóa trước, 5 nhân vật còn lại đều là những gương mặt mới.
Theo một số dự báo, ông Lật Chiến Thư, 67 tuổi, Chánh thư ký của ông Tập Cận Bình, có thể trở thành Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Uông Dương, 62 tuổi, có thể trở thành Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Ông Vương Hỗ Ninh, 62 tuổi, nhà lý luận chính trị cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương, được nhận định sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề tư tưởng, tuyên truyền và tổ chức Đảng.
Ông Triệu Lạc Tế, 60 tuổi, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được cho là sẽ thay ông Vương Kỳ Sơn để trở thành quan chức chống tham nhũng cấp cao nhất của nước này - Trưởng ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương.
Ông Hàn Chính, 63 tuổi, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, được nhận định sẽ trở thành Phó thủ tướng.
Năm sau công bố nhân sự
Ông Tập Cận Bình đã giới thiệu 6 thành viên còn lại trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại một buổi họp báo được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV).
Đây là phát biểu trên truyền hình đầu tiên của ông Tập sau khi ông được nâng lên ngang tầm với hai nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất của Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ đảng, ngang hàng với tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình. Từ thời Mao Trạch Đông, chưa một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào có tư tưởng được đưa vào điều lệ nước này cùng với đích danh tên gọi trong lúc còn đang cầm quyền.
Tư tưởng của ông Tập đặt mục tiêu đưa Trung Quốc thành một cường quốc với ảnh hưởng dẫn đầu thế giới vào năm 2050 thông qua phát triển chủ nghĩa xã hội đặc trưng Trung Quốc trong thời đại mới.
Theo dự báo, việc bổ nhiệm nhân sự mới cấp nhà nước, bao gồm người đứng đầu Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, sẽ được công bố vào đầu năm sau.