18:00 03/03/2022

Đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền

Phan Nam

Kinh tế - xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước; kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung chưa phát triển, thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu, hạ tầng thương mại hạn chế...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đây là nhận định tại Nghị quyết 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền do Chính phủ ban hành ngày 2/3.

Theo đó, khu vực biên giới là một địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của quốc gia, với đường biên giới trên đất liền trải dài hơn 5.000 km bao gồm nhiều cửa khẩu thông với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia) và các nước khác trong khu vực.

PHÁT TRIỂN CHƯA XỨNG TIỀM NĂNG

Cũng theo Nghị quyết này, đến nay, Việt Nam đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 03 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động, chiếm 36,6% cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước. Các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo tại các khu vực biên giới đã đóng góp đến 44% tổng sản lượng điện toàn quốc, góp phần củng cố an ninh năng lượng, bảo đảm sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tuyến biên giới được củng cố và giữ vững.

Hệ thống đường biên giới, mốc giới về cơ bản đã được hoạch định. Quan hệ giữa người dân và lực lượng bảo vệ biên giới đất liền nước ta và các nước láng giềng được tăng cường, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Tuy nhiên, với trình độ và cơ hội phát triển chênh lệch, kinh tế - xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước; kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung chưa phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu, thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu, hạ tầng thương mại hạn chế...

Do vậy, để khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế tại khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế biên giới, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển để điều chỉnh và có những giải pháp phù hợp với thực tế.

Về định hướng phát triển, Nghị quyết nêu rõ: phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của các vùng, miền; Đa dạng và tăng cường huy động, thu hút, xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh, bền vững khu vực biên giới.

Trong đó, ngân sách Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực khác, ưu tiên hợp lý nguồn vốn đầu tư công phù hợp với khả năng cân đối với ngân sách địa phương để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư các dự án, công trình thực sự cấp bách, thiết yếu về y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông phù hợp quy hoạch và có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được đề xuất tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho khu vực biên giới; đồng thời có tác động khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào, khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, khá giả, phát triển cùng cộng đồng, cùng đất nước.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường tiềm lực và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lãnh thổ; Tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân khu vực biên giới.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triệt để thực hiện phân cấp, giao quyền, xác định rõ và gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và Nhân dân trong việc triển khai quyết liệt các chủ trương, chính sách, phát triển bền vững kinh tế - xã hội một cách toàn diện tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho khu vực biên giới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và chính sách thương mại biên giới...

PHÁT HUY MỌI TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

Qua đó nhằm: Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe của nhân dân;

Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên thông, tổng thể, mang tính hiện đại tại các khu vực biên giới, nhất là hệ thống giao thông kết nối với các nước có chung đường biên giới đất liền qua các cửa khẩu; Phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, tinh thần tự lực, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và nguồn lực nội sinh của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới;

Phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, khác biệt của vùng biên giới để phát triển các lĩnh vực kinh tế, nhất là du lịch cộng đồng, thương mại biên giới, thu hút đầu tư, tổ chức lại sản xuất phù hợp, hiệu quả…

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện những giải pháp trọng tâm mà nghị quyết đề ra.

Ví như trong huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế khu vực biên giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tráchh nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, vốn viện trợ và vốn vay ưu đãi cho các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương liên quan có giải pháp khuyến khích ưu tiên đầu tư hạ tầng thông tin - truyền thông tại khu vực biên giới.

Bộ Y tế phối hợp với với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân và lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới.

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi mô hình sinh kế, cải thiện đời sống người dân tại các địa phương khu vực biên giới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường phát triển giáo dục cho người dân khu vực biên giới góp phần nâng cao dân trí, phát triển an sinh xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới.