18:17 16/03/2013

Đề nghị thêm quyền yêu cầu Thủ tướng giải trình cho Chủ tịch nước

Nguyễn Lê

Nhiều ý kiến trong ngành tư pháp đề nghị trao thêm quyền cho Chủ tịch nước khi sửa Hiến pháp

Phủ Chủ tịch trên đường Hùng Vương tại Hà Nội. <br>
Phủ Chủ tịch trên đường Hùng Vương tại Hà Nội. <br>
Dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong toàn ngành vừa được Bộ Tư pháp hoàn thành đã ghi nhận nhiều đề nghị trao thêm quyền cho Chủ tịch nước.

Theo kết quả cập nhật đến 15h ngày 14/3/2013, tất cả các chương tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp đều nhận được góp ý, trong đó có 90 ý kiến liên quan đến các quy định của chương Chủ tịch nước.

Về các điều khoản cụ thể, một số ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch nước do cử tri cả nước bầu ra thông qua tuyển cử phổ thông đầu phiếu.

Sở Tư pháp Quảng Ninh cho rằng cần bổ sung quy định trong thời gian Quốc hội không họp, theo đề nghị của Thủ tướng, Chủ tịch nước có quyền miễn nhiệm, cách chức các chức danh của Chính phủ do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Như phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La đề nghị bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt của Chủ tịch nước trong điều kiện đất nước có chiến tranh với tư cách là thống lĩnh các lực lượng vũ trang và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Để đảm bảo vai trò của Chủ tịch nước thực quyền hơn, theo Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, cần bổ sung quyền của Chủ tịch nước được chủ trì, yêu cầu Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao họp giải trình về việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội.

Bên cạnh Chương Chủ tịch nước, các góp ý cho chương Chính phủ của ngành tư pháp cũng rất phong phú. Đáng chú ý là có 7 ý kiến không tán thành việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị bổ sung việc chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những quyết định trong phạm vi quyền hạn của mình đối với Thủ tướng và phó thủ tướng. Góp ý khác cho rằng cần thêm quy định các thành viên Chính phủ có quyền từ chức khi không đủ điều kiện sức khỏe, năng lực hoặc vì điều kiện khác không thể thực hiện được nhiệm vụ.

Đánh giá chung các quy định về Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo chưa có những sửa đổi, bổ sung cơ bản, quan trọng nhằm thúc đẩy tính chủ động trong tổ chức và điều hành của Chính phủ.

Về thiết chế Thủ tướng, nhiệm vụ, quyền hạn hiến định của Thủ tướng còn bó hẹp, chưa bao quát đủ các lĩnh vực và chưa tương xứng  với vị trí người đứng đầu Chính phủ và đứng đầu hệ thống hành chính quốc gia. Đồng thời chưa có điều khoản mở để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Thủ tướng điều hành đất nước, nhất là trong những tình huống đột xuất, khẩn cấp.

Quy định như vậy chưa làm cho Thủ tướng Chính phủ trở thành một thiết chế hữu hiệu để xử lý những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động của Chính phủ, Bộ Tư pháp nhận xét.

Vẫn theo phân tích của Bộ thì dự thảo Hiến pháp mới chỉ ghi nhận vị trí, chức năng của Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, còn vị trí đứng đầu cơ quan hành chính thì chưa được thể hiện cụ thể; thiếu sự tách bạch trong các quy định về nhiệm vụ của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, dự thảo mới bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước, còn trách nhiệm của Thủ tướng trong việc báo cáo trước nhân dân thì chưa được quy định. Trong khi lại yêu cầu các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm này là chưa hợp lý.

Kiến nghị trên cơ sở ý kiến chung của toàn ngành, Bộ Tư pháp đề nghị hiến định Thủ tướng “Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ và Thủ tướng phải giải quyết".

Với quy định về bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp đưa ra đề nghị các vị trí này chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ, trước Quốc hội và nhân dân về lĩnh vực ngành mình phụ trách và bị áp dụng chế độ miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.