10:25 11/01/2013

Góp ý sửa Hiến pháp: Trao thêm quyền cho Chủ tịch nước

Nguyễn Lê

Nhiều ý kiến đề nghị trao thêm quyền cho Chủ tịch nước khi sửa đổi Hiến pháp

VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn 
đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới.
VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới.
“Đề nghị Hiến pháp quy định Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư” là góp ý của bạn Vũ Hữu Phương, được ghi nhận tại địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn, kênh thu nhận ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Báo cáo thuyết minh cho biết, dự thảo tiếp tục giữ các quy định của Hiến pháp hiện hành về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại (điều 91).

Quy định như vậy phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước của nước ta, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp giải thích.

Cùng quan điểm với bạn Phương, bạn Lê Khắc Thành đề nghị sửa điều 91 thành: "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, là Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thay mặt Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại".

Bạn Vũ Hữu Lân góp ý cần quy định bổ sung: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch nước thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về công tác đối nội và đối ngoại”. Điều này làm rõ vai trò cơ bản của Chủ tịch nước, tránh vi hiến có thể xảy ra, bạn Lân viết.
 
Cũng vẫn về điều này, bạn Phùng Đình Quân cho rằng, cần bổ sung quy định: "Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia duy nhất"

Bên cạnh điều 91 (điều đầu tiên) được giữ nguyên, các nội dung khác tại chương Chủ tịch nước cũng không có nhiều sửa đổi.

Theo đó, dự thảo làm rõ hơn thẩm quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ, yêu cầu Chính phủ bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước khi cần thiết (điều 95).

Ở quan hệ với Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thì dự thảo làm rõ hơn thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao căn cứ vào nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội; bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các tòa án khác để phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp (khoản 3 điều 93)...

Đồng thời, dự thảo quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân, bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (khoản 5 điều 93); bổ sung và làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc quyết định đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế hoặc quyết định phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế theo thẩm quyền do Quốc hội quy định (khoản 6 điều 93).

Theo quan điểm của bạn đọc Trần Thị Thảo Chi thì cần bổ sung quyền hạn cho Chủ tịch nước là có quyền phủ quyết các đạo luật của Quốc hội.

Góp ý cho cả chương Chủ tịch nước của bạn Đại Dũng phân tích, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia và là người đứng đầu Nhà nước về đối nội và đối ngoại. Vậy Hiến pháp nên quy định cho Chủ tịch nước có quyền đề cử và với sự phê chuẩn của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là thành viên của Chính phủ và có tác động trực tiếp đến bộ máy Hành pháp. Chủ tịch nước sẽ chủ trì việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Chính phủ và phải là trung tâm quyết sách của Chính phủ. Nếu quy định như vậy thì vai trò, vị trí và quyền lực của Chủ tịch nước sẽ tương tự như quyền lực của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 1946 hoặc tương tự như quyền lực của Tổng thống trong các nước có chính thể Cộng hoà hỗn hợp hiện nay, bạn Dũng viết.

Bạn đọc này cũng cho rằng, muốn quyền lực của Chủ tịch nước được tăng cường theo hướng này thì quy định về cách thức hình thành chức vụ Chủ tịch nước phải được thay đổi theo hướng Chủ tịch nước là do nhân dân trực tiếp bầu ra. Như thế, quyền lực của Chủ tịch nước nhận được từ nhân dân, do nhân dân uỷ quyền nên có thể độc lập với Quốc hội ở một mức độ nhất định. Với điều kiện Đảng lãnh đạo như ở nước ta hiện nay, nên chăng có thể quay lại thực tế lịch sử của đất nước trước đây (và cũng giống với quy định của Trung Quốc hiện nay) là nguyên thủ quốc gia sẽ đồng thời là Tổng bí thư hoặc Chủ tịch Đảng. Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa là Chủ tịch nước, vừa là Chủ tịch Đảng.

Vẫn theo bạn Dũng, Hiến pháp nên quy định cho Chủ tịch nước quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật mà Quốc hội đã thông qua trong một thời gian nhất định và quyền này không thể bị từ chối. Nếu ở lần thảo luận lại này mà Quốc hội vẫn thông qua với ít nhất là 2/3 số phiếu tán thành thì Chủ tịch nước phải công bố. Quy định như vậy sẽ vừa làm tăng trách nhiệm, sự cẩn trọng của Quốc hội trong việc làm luật, vừa làm cho quy trình làm luật cẩn thận, kỹ càng và chắc chắn hơn, qua đó vừa nâng cao sự ổn định của luật, vừa tăng cường được ảnh hưởng, sự quan tâm và trách nhiệm của Chủ tịch nước với việc làm luật của Quốc hội và đảm bảo sự giám sát lẫn nhau trong hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước.

VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới. Xin mời độc giả xem toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chuyên đề: Sửa Hiến pháp 1992