Để “trải thảm đỏ đón nhân tài” không chỉ là khẩu hiệu suông
Rất nhiều địa phương, doanh nghiệp công bố "Trải thảm đỏ đón nhân tài" nhưng thực tế, hàng loạt nhân tài trẻ không được trọng dụng
Rất nhiều địa phương, doanh nghiệp công bố "Trải thảm đỏ đón nhân tài" nhưng thực tế, hàng loạt nhân tài trẻ không được trọng dụng, du học sinh về nước không làm đúng chuyên môn, thậm chí không xin được việc... Trừ các công ty gia đình thì rất hiếm người trẻ được cất nhắc làm lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo ông Trịnh Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Danko Group, đối tượng này thường là những người may mắn gặp được người lãnh đạo chủ chốt, sẵn sàng bỏ qua quan niệm cũ mà tin tưởng giao việc cho họ.
Giới trẻ có "trái tim nóng, cái đầu lạnh"
Nhiều người đánh giá phần lớn giới trẻ giờ đây "có trái tim nóng và cái đầu lạnh". Là một lãnh đạo trẻ, ông nghĩ sao về điều này?
Trái tim nóng, đó là nhiệt huyết trong công việc, có sức sống và khát vọng muốn cống hiến cho tập thể, xã hội.
Cái đầu lạnh là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm và biết bảo vệ quan điểm, quyết tâm đi tới đích cuối cùng.
Giới trẻ hiện nay là thế hệ hội nhập toàn cầu với khả năng tiếp cận công nghệ, giao tiếp với thế giới dễ dàng và đa chiều. Nhiều người được đào tạo bài bản, được trang bị đầy đủ kiến thức, song cũng sẵn sàng học hỏi lớp đàn anh đi trước. Họ muốn áp dụng công nghệ, kiến thức quản trị... đã được học tập, nghiên cứu để đem lại luồng gió mới cho công ty. Vì thế, họ có thể phù hợp để trở thành lãnh đạo doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp luôn chú trọng nhân tài trẻ, rồi người trẻ ấy cũng lớn tuổi lên, vậy, việc chuyển giao "quyền hạn" sẽ liên tục xảy ra, liệu có làm xáo trộn nhân lực?
Như tôi đã nói, để người trẻ có môi trường phát huy năng lực, vai trò của người nắm giữ vị trí chủ chốt rất lớn. Họ trọng dụng được cả tâm trí của người trẻ lẫn kinh nghiệm của nhân viên thâm niên trong nghề.
Trong một doanh nghiệp lớn luôn có sự giao thoa giữa lãnh đạo lớn tuổi và trẻ tuổi. Người lớn tuổi thường có kinh nghiệm nhưng khó bước qua lối mòn, người trẻ có đam mê, sáng tạo, dám đương đầu hơn nhưng đôi khi còn non nớt.
Ở đâu, tôi không rõ nhưng như ở Danko, những lãnh đạo trẻ cũng ý thức được nếu không vươn lên, rất dễ tụt hậu, nên luôn vận động trau dồi kiến thức về kinh doanh, kỹ năng mềm và đặc biệt là công nghệ. Bản thân tôi thường làm việc với 200% công suất song cũng sẵn sàng chuyển giao lại cho những người trẻ hơn, tài hơn mình.
Để tránh xáo trộn nhân sự, ban lãnh đạo đã nỗ lực tạo dựng công ty như ngôi nhà thứ hai mà ai cũng tự hào. Chúng tôi chú trọng quản trị nhân lực với mong muốn đồng hành cùng cán bộ nhân viên lúc thuận lợi cũng như khó khăn.
Tâm và trí mới là yếu tố quyết định
Nhưng trước hết, người trẻ ấy cũng phải thể hiện được cái tài của mình, qua hành động thực tế hay chỉ đơn giản là trình ra kết quả học tập?
Kiến thức học từ trường lớp chỉ là một phần rất nhỏ, tâm và trí mới là yếu tố giúp chúng ta tìm cơ hội cho mình.
Tôi ví dụ, làm lãnh đạo, phải biết đối nội và đối ngoại. Về đối nội, những lãnh đạo trẻ đều phải làm việc chăm chỉ, nỗ lực kết nối với nhân viên. Ngay trong công ty, nhiều nhân sự lớn tuổi sẽ cảm thấy khó chịu khi bị người trẻ chỉ đạo. Để thuyết phục được họ, lãnh đạo trẻ phải nỗ lực rất nhiều, quyết đoán nhưng vẫn tạo cảm giác thoải mái và tránh gây sự bất ổn nội bộ.
Khó hơn nữa là đối ngoại. Bản thân tôi, khi làm việc với đối tác lớn tuổi, lúc mới gặp, họ thấy mình trẻ quá nên thường chần chừ trong việc đưa ra quyết định. Trong hoàn cảnh này, phải dùng "trái tim nóng, cái đầu lạnh" để dần thuyết phục họ. Khó nhất là khi làm việc với các cơ quan Nhà nước, dù là lãnh đạo, dù chuyên nghiệp nhưng những người trẻ cũng có rất ít cơ hội thể hiện. Do đó, phải vận dụng kiến thức cả ở trường lớp và thực tiễn cùng ý tưởng sáng tạo, tâm huyết để có sự đồng ý, và thường mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Khi được tin tưởng, trao quyền thì lãnh đạo trẻ phải biết lường trước khó khăn, phải kiên nhẫn, kiên định vượt qua, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp cũng như kinh tế đất nước.
Nhưng giới trẻ bây giờ dường như thường chạy theo chữ lợi và danh vọng hơn là đóng góp cho sự phát triển của xã hội...
Đã làm doanh nhân, đương nhiên phải chạy theo chữ lợi. Song chữ lợi đó đến đâu mới là điều đáng nói. Có người vơ cái lợi cho bản thân, có người còn nghĩ đến cái lợi của đối tác, nhân viên và cả xã hội. Đối tượng thứ hai mới là người lãnh đạo làm nhân viên nể phục và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Đây là điều đa phần lãnh đạo trẻ hướng đến. Do đó, tôi cho rằng, dù là doanh nghiệp gia đình, tư nhân hay nhà nước thì thế hệ trước cũng đừng nên ngại việc trao quyền quản lý cho lớp trẻ.
Thì nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp vẫn luôn sẵn sàng "Trải thảm đỏ đón nhân tài" đấy thôi...
Tôi thấy từ lời nói đến hành động thực tế xa nhau lắm. Có nhiều nơi chào đón nhân tài thật nhưng lại giao cho họ việc pha trà, rót nước, hoặc những việc không cần chuyên môn. Điều này không chỉ làm lãng phí mà còn tổn hại đến tài năng đất nước.
Để "Trải thảm đỏ đón nhân tài" không là khẩu hiệu suông, Nhà nước nên lắng nghe, đối thoại với doanh nhân trẻ, tạo điều kiện cho họ bày tỏ ý kiến; kịp thời giải quyết dứt điểm vướng mắc trong chính sách hiện hành; Các lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp cũng nên tin tưởng hơn vào khả năng của lớp trẻ, tạo điều kiện cho họ được phát huy năng lực của mình...