22:05 21/03/2013

Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm cùng lúc Chủ tịch nước, Thủ tướng...

Nguyễn Lê

Tại kỳ họp thứ 5 sẽ khai mạc cuối tháng 5/2013, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính 
trị, đạo đức, lối sống của những người thuộc đối tượng lấy phiếu tín 
nhiệm sẽ được gửi để các vị đại biểu tự nghiên cứu.
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của những người thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm sẽ được gửi để các vị đại biểu tự nghiên cứu.
Theo đề xuất của Văn phòng Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới đây sẽ thực hiện cùng lúc đối với tất cả 49 chức danh, trong đó có Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội...

Đây là kỳ họp đầu tiên việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành. Trong các phiên họp gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận kỹ và quyết định quy trình để tiến hành công việc quan trọng này.

Dự kiến sẽ bố trí vào cuối kỳ họp sau khi kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được bố trí 1/4 ngày để trao đổi về nội dung này.

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của những người thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm sẽ được gửi để các vị đại biểu tự nghiên cứu.

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) cũng sẽ được gửi đến các vị đại biểu trước phiên bỏ phiếu.

Sau khi các đoàn đại biểu Quốc hội trao đổi, tại phiên họp ở hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về tổng hợp kết quả thảo luận trước khi tiến hành bỏ phiếu. Kết quả này sẽ không thảo luận tại hội trường.

Việc bỏ phiếu sẽ thực hiện cùng lúc đối với tất cả các chức danh theo quy định (bao gồm 49 chức danh thể hiện ở 9 phiếu).

Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố cuối phiên họp và một ngày sau việc thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm mới được tiến hành.

Vì ngoài việc xác định kết quả về mặt số liệu, nghị quyết còn đánh giá chung về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm (công tác chuẩn bị, việc gửi báo cáo, tài liệu, trách nhiệm giải trình), nên dự thảo nghị quyết có thể phải gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi trình thông qua, do đó, cần có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, Văn phòng Quốc hội giải thích.

Dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc ngày 19/6, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, cho ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 9 dự án luật khác.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, những tháng đầu năm 2013, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Được giám sát tối cao tại kỳ họp này là việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.

Nửa ngày là thời gian được dự kiến bố trí để xem xét về công tác nhân sự (nếu có).