09:25 12/01/2013

“Chốt” quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Nguyên Vũ

Một số nội dung đáng chú ý tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về
 việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được Ủy ban Thường 
vụ thông qua tại phiên họp này.
Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được Ủy ban Thường vụ thông qua tại phiên họp này.
Quy trình trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ được “chốt” tại phiên họp bắt đầu từ 14 và kết thúc vào ngày 16/1/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Được cho ý kiến lần đầu tại phiên họp tháng 12/2012, nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ được Ủy ban Thường vụ thông qua tại phiên họp này.

Để có thể áp dụng từ kỳ họp sẽ khai mạc vào tháng 5 tới của Quốc hội, thảo luận ở nội dung này ở từ phiên họp trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu việc hướng dẫn phải chặt chẽ, và tạo điều kiện cho đại biểu đánh giá thật khách quan, công bằng và không ngược ý dân.

Về xử lý kết quả, Chủ tịch cho rằng cần phối hợp với các cơ quan của Đảng chuẩn bị sẵn nhân sự thay thế với trường hợp được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, vì khi đã đưa ra bỏ thì chắc đến 80% là “rơi”. Còn với người tín nhiệm quá thấp ngay lần đầu lấy phiếu thì phải có hướng dẫn cụ thể về việc từ chức.

Bên cạnh nội dung nói trên, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Gồm Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Được dành trọn một buổi - gấp đôi thời gian các dự án luật nói trên - là dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cũng ở phiên họp trước, khi tiếp tục cho ý kiến về dự luật này, nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tỏ ra khá lo lắng vì nhiều vấn đề lớn chưa có lời giải cụ thể.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa tiếp dự án luật cụ thể hơn, nhất là về những vấn đề lớn, sau đó Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí thảo luận kỹ hơn trước khi được đưa ra lấy ý kiến toàn dân từ khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm nay.