Di sản kinh tế của ông Biden đặt bà Harris vào thế khó
Bà Harris có thể nhấn mạnh một số thành tựu kinh tế mà chính quyền ông Biden đã đạt được, nhưng lạm phát có lẽ sẽ là câu chuyện mà cử tri nhớ đến nhiều nhất về 4 năm qua...
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đang đứng trước khả năng cao nhận được sự đề cử của Đảng Dân chủ cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Cuộc chạy đua này của bà Harris sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ những gì Tổng thống Joe Biden đã làm được và chưa làm được trong nhiệm kỳ cầm quyền của ông - theo nhận định của hãng tin CNBC.
Bà Harris có thể nhấn mạnh một số thành tựu kinh tế mà chính quyền ông Biden đã đạt được, nhưng lạm phát có lẽ sẽ là câu chuyện mà cử tri nhớ đến nhiều nhất về 4 năm qua. Và đây mới chỉ là một thách thức mà bà Harris sẽ phải vượt qua để có thể đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump - đối thủ đến từ Đảng Cộng hòa.
“Bà Harris sẽ phải có một phần trách nhiệm vì bà ấy làm việc trong chính quyền này. Và cũng sẽ khó để bà ấy đưa ra một kế hoạch mới, vì làm như vậy sẽ bị coi là không trung thành. Thực sự là bà ấy đang bị kẹt trong một thế khó”, chiến lược gia trưởng Greg Valliere của công ty AGF Investments nhận định với CNBC.
LẠM PHÁT, NỖI BẤT MÃN CỦA CỬ TRI MỸ
Dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp lịch sử và nền kinh tế nước này không hề rơi vào suy thoái như đã từng được dự báo, kinh tế vẫn bị coi là một mảng yếu trong di sản của ông Biden. Theo dữ liệu khảo sát của Reuters/Ipsos, chỉ 37% người Mỹ ủng hộ cách vị tổng thống Dân chủ này điều hành nền kinh tế. Một vấn đề kinh tế khiến người Mỹ đặc biệt lo ngại trong thời gian ông Biden cầm quyền là lạm phát cao, dù tốc độ lạm phát đã giảm nhiều sau khi lập đỉnh của hơn 4 thập kỷ vào mùa hè năm 2022.
Một vấn đề khác là nợ công và thâm hụt ngân sách. Nợ chính phủ liên bang Mỹ đã tăng thêm khoảng 7,2 nghìn tỷ USD trong nhiệm kỳ của ông Biden, tương đương mức tăng hơn 25%. Năm nay, thâm hụt ngân sách liên bang được dự báo sẽ tiến gần hơn tới mức 2 nghìn tỷ USD.
Những vấn đề này sẽ đặt ra trở ngại không nhỏ đối với bà Harris - ứng cử viên được dự báo là sẽ có những chính sách kinh tế giống với những gì ông Biden đã theo đuổi.
“Tôi không thấy có nhiều sự khác biệt trong quan điểm chính sách kinh tế giữa bà Harris với chính quyền hiện tại. Bà ấy là một phần trong các cuộc thảo luận để đi tới những chính sách của chính quyền hiện nay, nên đó cũng chính là những chính sách của bà ấy”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của công ty Moody’s Analytics nhận định.
Ông Zandi cho rằng bất kỳ khác biệt nào trong chính sách kinh tế giữa bà Harris với ông Biden, nếu có, cũng sẽ không đáng kể. Nhiều khả năng bà Harris sẽ tiếp tục nỗ lực của ông Biden trong một số vấn đề và chấm dứt chương trình giảm thuế mà ông Trump triển khai vào năm 2017 khi chương trình này hết hạn vào năm 2025.
“Có lẽ, sự khác biệt sẽ nằm ở việc những vấn đề nào được nhấn mạnh. Còn về chính sách thực tế, chẳng hạn chính sách thuế, chính sách giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, vấn đề chi phí sinh hoạt, bảo vệ người tiêu dùng cho tới chống độc quyền, tôi không thấy sẽ có nhiều khác biệt giữa bà Harris và ông Biden”, ông Zandi nhận xét.
Bà Harris vẫn có nhiều yếu tố kinh tế tích cực để dựa vào khi tranh cử. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 4,1%, thấp so với tiêu chuẩn lịch sử, và khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm hơn 1,3 triệu công việc mới chỉ riêng trong năm 2024. Người tiêu dùng - lực lượng chiếm 2/3 trong nền kinh tế có quy mô 28 nghìn tỷ USD của Mỹ - vẫn giữ vững được sức chi tieu, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ 2,3% trong vòng 1 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, lạm phát là vấn đề khiến cử tri Mỹ bất mãn nhiều nhất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng 3% trong tháng 6 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ bằng 1/3 mức đỉnh hồi giữa năm 2022, nhưng vẫn cao gấp hơn 2 lần so với ở thời điểm ông Biden nhậm chức vào năm 2021. Giá thực phẩm đã tăng 21% kể từ khi ông Biden và bà Harris lên cầm quyền, giá năng lượng tăng 33% và giá nhà trung vị tăng 18,5%.
Sẽ khó để bà Harris lảng tránh những vấn đề này khi tiếp cận cử tri, dù bà có thể nhấn mạnh việc lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm.
FED SẼ CÓ CHỦ TỊCH MỚI?
Một vấn đề có thể có sự khác biệt lớn giữa ông Biden và bà Harris là câu chuyện liên quan tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Khi còn là một thượng nghị sỹ vào năm 2018, bà Harris bỏ phiếu chống lại việc ông Trump đề cử ông Jerome Powell vào ghế Chủ tịch Fed. Bà là một trong khoảng 13 thượng nghị sỹ bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu đó.
“Tôi quan ngại sâu sắc về cam kết của ông Powell trong việc tăng cường các quy chế giám sát để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế”, bà Harris nói khi đó.
Ông Biden tái đề cử ông Powell cho cương vị Chủ tịch Fed vào năm 2022, và Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn đề cử này với tỷ lệ phiếu 80-19.
Nhiệm kỳ chủ tịch Fed của ông Powell sẽ kết thúc vào năm 2026. Hiện chưa rõ liệu nhà hoạch định chính sách tiền tệ 71 tuổi này có mong muốn làm chủ tịch Fed thêm 4 năm nữa hay không. Ông Trump đã nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ không để ông Powell đảm nhiệm cương vị này thêm một nhiệm kỳ nữa, và bà Harris cũng có thể đưa một nhân vật khác thay thế ông Powell.
“Một quyết định không tái bổ nhiệm ông Powell không hẳn có liên quan tới sự độc lập của Fed, mà có thể do chính quyền mới không muốn thừa kế một vị chủ tịch Fed từ hai tổng thống tiền nhiệm”, một báo cáo cảu công ty tư vấn Beacon Policy Advisors nhận định.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm một Chủ tịch Fed mới cũng không phải là một sự điều chỉnh chính sách, mà chỉ nhằm mang lại một “luồng gió mới” cho ngân hàng trung ương Mỹ. Con đường đến ghế chủ tịch Fed của ông Powell có đôi chút khác biệt, vì ông chủ yếu hoạt động trên thị trường tài chính thay vì sở hữu bằng tiến sỹ kinh tế học như phần lớn các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương khác.
“Khi còn là tổng chưởng lý ở California, bà Harris có quan điểm rất cứng rắn với các định chế tài chính gặp vấn đề trong thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính. Bởi vậy, bà ấy có quan điểm hoài nghi về những người đến từ Phố Wall” như ông Powell - ông Zandi nhận định.