Đích đến sản xuất FOB, ODM: “Nước cờ” để dệt may bước ra khỏi vùng an toàn
Với một ngành thâm dụng lao động như dệt may, con đường duy nhất để tồn tại được đó là toàn ngành phải chuyển đổi phương thức kinh doanh cao hơn, với thiết kế của mình, nguyên liệu của mình… hướng tới sản xuất FOB và ODM...
Đó là nhận định của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) tại lễ khánh thành Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex (Vinatex PD&B).
CUNG ỨNG GIẢI PHÁP TRỌN GÓI
Giám đốc Trung tâm Vinatex PD&B Vương Đức Anh chia sẻ, bài học từ sau Covid - 19 cũng như hai năm qua cho thấy, khi nhu cầu dệt may thế giới suy giảm (gần 30% so với trước dịch), mô hình kinh doanh ngành dệt may thế giới cũng đã có nhiều thay đổi. Người mua hàng có xu hướng tìm đến nhà cung cấp có khả năng cung cấp “giá trị gia tăng”, có chuỗi liên kết dịch vụ trọn gói đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và hướng đến là đối tác thay vì chỉ là nhà máy gia công đơn thuần.
Không chỉ vậy, cũng trong thời gian qua, những doanh nghiệp thuần gia công gặp rất nhiều khó khăn, cạnh tranh thị trường rất lớn. Hệ thống hơn 13.000 doanh nghiệp dệt may đa phần là làm gia công may đơn thuần cho nên sự cạnh tranh không chỉ ở Việt Nam mà còn cạnh tranh quốc tế.
Chính vì vậy, lãnh đạo Vinatex có định hướng hết sức quyết liệt, triển khai ngay dự án Vinatex PD&B. Mục đích để khi thị trường phục hồi trở lại, Vinatex PD&B chính là đầu kéo để Vinatex trở thành một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói cho khách hàng thời trang toàn cầu, đồng thời duy trì được vị thế vững chắc của dệt may Việt Nam trong bối cảnh thị trường đầy bất định.
Theo đó, Trung tâm tập trung phát triển hàng FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm), ODM (sản xuất trọn gói), OBM (nhà sản xuất thương hiệu gốc) cho xuất khẩu và nội địa. Cung cấp trọn gói giải pháp cho khách hàng từ khâu thiết kế đến lựa chọn nguyên phụ liệu với showroom và thư viện vải đa dạng, phong phú.
“PD&B góp thêm giá trị gia tăng cho người mua hàng là các hãng thời trang lớn. Bởi trước đây họ phải có đội ngũ thiết kế, thì giờ chúng tôi làm thay họ, chúng tôi có đội ngũ thiết kế riêng. Họ có thể đưa ra ý tưởng ban đầu, chúng tôi hiện thực hoá ý tưởng đó thông qua các hình thức thiết kế 3D, thông qua việc ra mẫu trực tiếp ngay tại trung tâm. Như vậy khách hàng nhận được nhiều giá trị hơn từ nhà cung cấp là chúng tôi”, Giám đốc Vinatex PD&B nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng chia sẻ, chủ trương kinh doanh hàng thời trang, hàng thiết kế, tiến từng bước từ sản xuất gia công (CMT) lên FOB, ODM là chủ trương được Vinatex nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung đã đề ra trong gần 20 năm qua.
Nếu không có sự chuyển dịch mô hình kinh doanh thì chắc chắn ngành dệt may sẽ không thể tồn tại và phát triển. Hiện thu nhập, tiền lương của người lao động dệt may Việt Nam cao gấp 4 lần Bangladesh, gấp 3 lần so với Campuchia và Ấn Độ.
THÁCH THỨC ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO KHÔNG NGỪNG
Song điều mà lãnh đạo Vinatex trăn trở, hiện nay điểm yếu, thiếu và khó nhất để dệt may nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chính là năng suất lao động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Việc Vinatex PD&D được thành lập kỳ vọng sẽ cải thiện năng suất lao động sáng tạo trong toàn ngành, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành “một điểm đến”, hình thành chuỗi liên kết dệt kim vững mạnh.
Mặt khác, PD&B kết nối, hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ kéo sợi, dệt nhuộm, hoàn tất và cắt may. Sự phát triển của trung tâm cũng là bước tiến quan trọng giúp cho việc sản xuất các mặt hàng vải dệt thoi, dệt kim Việt Nam “bước chân” ra thị trường nước ngoài.
“PD&B là quá trình đưa ngành dệt may bước ra khỏi vùng an toàn. Đây là bước đi mới của Vinatex hướng tới việc hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển đổi sang ODM, thiết kế và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển sản phẩm”, ông Trường nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, ông Trường cũng thừa nhận, thách thức với Vinatex PD&D là không nhỏ, khi cơ quan văn phòng Công ty Mẹ chưa có đủ nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh như các đơn vị. Mặt khác, Công ty Mẹ không sở hữu trực tiếp các hệ thống sản xuất.
Trong khi đó, theo ông Vương Đức Anh, áp lực với PD&B là phải đổi mới liên tục, sáng tạo liên tục và không có điểm ngừng, để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng; hấp dẫn, giữ chân và tạo niềm tin cho khách hàng đi đường dài cùng tập đoàn.
Với các đơn vị dệt may, nếu triển khai FOB, ODM không thành công thì vẫn còn bước lùi là làm CMT. Nhưng với Vinatex PD&B, con đường duy nhất để thành công là phát triển mẫu và triển khai làm ODM, FOB.
Do đó, Chủ tịch HĐQT Vinatex mong muốn, trong thời gian đầu các đơn vị trong hệ thống cần quan tâm, hỗ trợ Vinatex PD&B để hoạt động bài bản, có sự liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm với hệ thống các nhà máy tại các đơn vị thành viên.
Cũng theo ông Trường, còn rất nhiều dư địa ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Tập đoàn, nhiều cơ sở có thể cùng nhau liên kết lại để đổi mới sáng tạo dưới sự điều phối, hợp tác với Trung tâm PD&B. Chưa kể những đơn vị liên kết, có quan hệ lâu dài với tập đoàn và khoảng 20 nghìn lao động ngành may đang thực hiện ở khu vực khá đơn giản…. Đây là những thuận lợi cho PD&B có thể sản xuất lớn trên diện rộng.