15:58 03/11/2022

Doanh nghiệp Đài Loan cân nhắc “kế hoạch B” ở Ấn Độ, Việt Nam

Hoài Thu

“Vài năm qua, dường như các công ty Đài Loan không còn thấy hấp dẫn với việc đầu tư tiền, công nghệ và chuyên môn quản lý của họ vào Trung Quốc đại lục nữa. Giờ đây, Việt Nam, Ấn Độ đã trở thành ‘kế hoạch B’ của họ”...

Căng thẳng Mỹ-Trung, căng thẳng trên eo biển Đài Loan cùng chi phí sản xuất cao tại Mỹ đang thúc đẩy các doanh nghiệp Đài Loan tìm kiếm hướng đi mới - Ảnh: AP
Căng thẳng Mỹ-Trung, căng thẳng trên eo biển Đài Loan cùng chi phí sản xuất cao tại Mỹ đang thúc đẩy các doanh nghiệp Đài Loan tìm kiếm hướng đi mới - Ảnh: AP

Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp trên eo biển Đài Loan cùng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, mắc kẹt ở giữa là các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Đài Loan, đặc biệt là những nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), cả hai cường quốc đều muốn dành ưu ái cho các “ông lớn” công nghệ Đài Loan. Tuy nhiên, chi phí kinh doanh đắt đỏ ở Mỹ khiến họ chùn bước. Tình hình căng thẳng hiện tại buộc các doanh nghiệp này phải tìm kiếm hướng đi mới.

MẮC KẸT GIỮA MỸ VÀ TRUNG QUỐC

Nhiều số liệu và ý kiến của nhiều chuyên gia cho thấy các công ty đa quốc gia Đài Loan đang dịch chuyển tỷ trọng vốn lớn chưa từng thấy sang đầu tư tại những thị trường chi phí rẻ và có kết nối tốt như Việt Nam và Ấn Độ.

“Vài năm qua, dường như các công ty Đài Loan không còn thấy hấp dẫn với việc đầu tư tiền, công nghệ và chuyên môn quản lý của họ vào Trung Quốc đại lục nữa. Giờ đây, Việt Nam, Ấn Độ đã trở thành ‘kế hoạch B’ của họ”, ông John Eastwood, quản lý tại hãng luật Eiger có trụ sở tại Đài Bắc, nhận xét.

Phía Mỹ trước đó đã kêu gọi các công ty công nghệ Đài Loan đầu tư nhiều hơn vào quốc gia này trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu do đại dịch Covid-19. Tháng trước, một số thỏa thuận giữa doanh nghiệp hai bên đã được ký kết như dự án 5GxAI Open Lab giữa Intel của Mỹ và Quanta Cloud Technology của Đài Loan, thỏa thuận về công nghệ thực tế ảo giữa công ty phát triển smartphone Đài Loan HTC và công ty viễn thông Mỹ Lumen Technologies…

Song song với việc áp đặt nhiều hạn chế đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, Mỹ đưa ra một loạt ưu đãi cho các nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan để mở rộng sản xuất tại nước này.

TSMC là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - Ảnh: Getty Images
TSMC là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, ngoài những khoản đầu tư mang tính bước ngoặt như nhà máy của Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) ở bang Arizona của Mỹ và nhà máy lắp ráp của Foxconn Technology ở bang Wisconsin, các nhà sản xuất Đài Loan thường không chọn Mỹ để mở rộng hoạt động sản xuất vì chi phí kinh doanh đắt đỏ.

Theo số liệu từ Ủy ban Đầu tư Đài Loan, trong 8 tháng đầu năm nay, các công ty Đài Loan đã được chấp thuận đầu tư 932,7 triệu USD vào Mỹ, tăng từ 361,2 triệu USD cùng kỳ năm 2021, nhưng thấp hơn so với 2 tỷ USD năm 2018 và 4 tỷ USD năm 2020.

Với Trung Quốc đại lục, doanh nghiệp Đài Loan đầu tư khoảng 18,9 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, giảm từ 29,5 triệu USD cùng kỳ năm trước và 70,2 triệu USD của tháng 12/2021.

Các nhà sản xuất Đài Loan đã có mặt tại Trung Quốc đại lục từ những năm 1980 và hiện có khoảng 4.200 công ty đang hoạt động ở đây. Nhưng căng thẳng địa chính trị cũng như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến ngày càng nhiều công ty đang tìm kiếm các địa điểm thay thế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mất phần nào sức hút kể từ khi bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt làm gián đoạn hoạt động hậu cần vào đầu năm 2020.

"Nhiều công ty đang chuyển một phần hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc đại lục”, ông Scott Kennedy, chủ tịch ủy thác kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ), cho biết trong một báo cáo vào tháng trước.

"KẾ HOẠCH B" Ở VIỆT NAM, ẤN ĐỘ

Điểm đến được nhiều doanh nghiệp Đài Loan lựa chọn là một số nước lợi thế về lao động và độ mở của nền kinh tế như Ấn Độ, Việt Nam.

Tờ Knowledge & News Network dẫn lời nhà ngoại giao Estela Chen tại Ấn Độ cho biết các doanh nghiệp Đài Loan đang “háo hức” mở nhà máy ở quốc gia Nam Á khi chuỗi cung ứng ở nước này được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp Đài Loan và startup của Ấn Độ đã bắt đầu hợp tác trong các dự án về chip và hàng không vũ trụ.

Ấn Độ được biết đến là nơi có chi phí rẻ và thị trường nội địa khổng lồ, dù rào cản ngôn ngữ và văn hóa doanh nghiệp vẫn là một thách thức với doanh nghiệp nước ngoài. Kể từ năm 1952, các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư tổng cộng 1,11 tỷ USD vào Ấn Độ, trong đó có khoảng 920 triệu USD trong vòng 4 năm qua.

Foxconn, nhà thầu sản xuất đồ điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, hồi tháng 9 cho biết sẽ hợp tác với tập đoàn Vedanta của Ấn Độ để xây dựng một nhà máy chip với tổng mức đầu tư 118,7 triệu USD ở bang Gujarat của Ấn Độ.

Theo giới quan sát, bên cạnh Ấn Độ, Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất Đài Loan. Việt Nam là một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, thường được xem như một lựa chọn thay thế đáng tin cậy và chi phí rẻ hơn cho Trung Quốc.

Dữ liệu chính thức từ Đài Loan cho thấy các công ty của vùng lãnh thổ này đã đầu tư khoảng 341,6 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2021, nhiều nhất kể từ năm 2017.

Một nhà máy xe điện ở Hải Phòng - Ảnh: Getty Images
Một nhà máy xe điện ở Hải Phòng - Ảnh: Getty Images

“Trong khu vực tư nhân của Đài Loan, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid ngày càng lớn”, nhà kinh tế học Ma Tieying, tại ngân hàng DBS (Singapore), nhận xét.

“Các công ty này có thể muốn quay trở lại Đài Loan hoặc chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ hoặc các quốc gia châu Á khác. Nguyên nhân lớn nhất khiến họ không chọn Mỹ là chi phí lao động tại nước này cao hơn nhiều so với ở châu Á”, ông Ma Tieying lý giải.