16:01 08/06/2022

Chuyên gia khuyên Trung Quốc tịch thu hãng chip Đài Loan nếu bị Mỹ trừng phạt

Đức Anh

"Nếu Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mang tính hủy hoại đối với Trung Quốc, tương tự như với Nga... chúng ta phải tịch thu TSMC"...

TSMC hiện là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% thị trường toàn cầu - Ảnh: Reuters
TSMC hiện là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% thị trường toàn cầu - Ảnh: Reuters

Chen Wenling, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE), mới gây kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc tịch thu công ty chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan trong trường hợp Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Bắc Kinh tương tự như đang áp đặt với Nga.

CCIEE là tổ chức nằm dưới sự giám sát của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc - cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc.

“Nếu Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mang tính hủy hoại đối với Trung Quốc, tương tự như với Nga...Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng lại chuỗi cung ứng công nghiệp, chúng ta phải tịch thu TSMC", hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Chen tại một sự kiện gần đây tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang ở Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC).

Bài phát biểu của bà Chen tại RUC được đăng tải trên trang tin tức Guancha ngày 7/6.

“TSMC đang đẩy nhanh việc dịch chuyển sang Mỹ với việc xây dựng 6 nhà máy ở đó”, gia kinh tế này nhấn mạnh. “Chúng ta không thể họ đạt được tất cả các mục tiêu dịch chuyển này”.

Theo Bloomberg, đây là những bình luận đáng chú ý cho thấy ngành công nghiệp chip của Đài Loan được Bắc Kinh xem như một nội dung chiến lược quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gay gắt.

TSMC hiện là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% thị trường toàn cầu. Các khách hàng của công ty này gồm nhiều doanh nghiệp lớn như Apple Inc.

Truyền thông trước đó rầm rộ đưa tin việc TSMC dự định xây 6 nhà máy chip ở Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, công ty này mới chỉ công bố một nhà máy nhưng đã mua thêm đất để dành cho các kế hoạch xây dựng tiềm năng trong tương lai.

Hiện chưa rõ kịch bản mà bà Chen mô tả sẽ xảy ra như thế nào, bởi vì hiện tại Mỹ và các quốc gia khác chỉ áp đặt trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Nga sau khi nước này tấn công Ukraine hồi tháng 2.

Cho đến hiện tại, Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, trong khi chính quyền Đài Loan khẳng định trên thực tế họ là một quốc gia độc lập và cần được quốc tế công nhận rộng rãi hơn.

Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu đạt được sự tự chủ về công nghệ và thúc đẩy nhiều sáng kiến nhằm giúp các nhà sản xuất chip trong nước vượt qua những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Được áp đặt trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, những biện pháp trừng phạt này đang cản trở nỗ lực hướng tới công nghệ chế tạo chip tiên tiến của các nhà sản xuất chip Trung Quốc như HiSilicon, Huawei Technologies Co. và Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC).

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch đầu tư 52 tỷ USD vào việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip trong nước. Kế hoạch này nằm trong một dự luật nhằm tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc đang chờ được phê duyệt.