Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Hàn Quốc đã và đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trực tiếp đạt 59 tỷ USD
Trên 400 nhà đầu tư Hàn Quốc cùng lãnh đạo các Cơ quan liên quan như Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) của Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX)... đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Seoul ngày 18/4/2018 và dành nhiều thời gian để tìm hiểu các thông tin trực tiếp từ lãnh đạo ngành tài chính, chứng khoán, bảo hiểm tại Việt Nam.
Sự kiện do Bộ Tài chính tổ chức lần đầu tiên tại Hàn Quốc nhằm chia sẻ thông tin về tăng cường đầu tư tài chính vào Việt Nam.
Hàn Quốc hiện nay là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Đến tháng 3/2018 tính lũy kế đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ đầu theo sau là Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
Bên cạnh đó, một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) tạo ra dòng chảy thương mại giữa các quốc gia và các đối tượng tham gia.
Nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ông hài lòng khi Hội nghị năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư lớn. Sự tham gia đông đảo và tích cực của các nhà đầu tư, các đối tác Hàn Quốc, thể hiện trách nhiệm và tâm huyết trong mục tiêu chung tay xây dựng mối quan hệ Việt - Hàn ngày càng thịnh vượng.
Trong năm 2018 Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 64 doanh nghiệp lớn và thực hiện thoái vốn tại 189 doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm giữ cổ phần. Như vậy, năm nay Nhà nước sẽ cổ phần hóa số doanh nghiệp nhà nước nhiều nhất trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 và được tiến hành toàn diện trong nhiều ngành nghề.
Trong số doanh nghiệp cổ phần hoá năm nay có nhiều doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực truyền thông như Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VNPT, Mobiphone, VTC; lĩnh vực Năng lượng như các Tổng công ty Phát điện 1,2 (Genco 1,2), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và ngoài ra còn có Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vietnam Tobaco).
Ngoài ra, cũng trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiến hành bán cổ phần cho cổ đông chiến lược tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV oil, PV Power, Genco 3; tiếp tục thoái vốn tại Habeco, Vinatex, Vietnam Airlines,...
Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
"Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp cổ phần hóa của Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.
Dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc là rất đáng trân trọng, nhưng vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp.
Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa mở cửa sàn giao dịch chứng khoán phái sinh, đang mở ra những cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng cho biết: sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy các dòng vốn chuyên nghiệp, vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam.
Hàn Quốc đã và đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trực tiếp đạt 59 tỷ USD. Trong lĩnh vực đầu tư gián tiếp, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia ở mức độ cao hơn, bởi vì mức 3 tỷ USD đầu tư gián tiếp trên 59 tỷ USD đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc tại Việt Nam còn khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có của các nhà đầu tư Hàn Quốc và cơ hội do thị trường chứng khoán Việt Nam mang lại.
Nỗ lực tìm kiếm sự kết nối
Rất nhiều câu hỏi đã được nhà đầu tư xứ Kim Chi nêu lên tại Hội nghị. Câu hỏi đầu tiên được nêu ra là sự khác biệt giữa các thị trường cổ phiếu tại Việt Nam, khi thực tế Việt Nam có nhiều hàng hóa trên sàn và họ không biết rõ cấu trúc thị trường để quyết định đầu tư.
Một số nhà đầu tư khác thì quan tâm nhiều đến triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Cơ hội từ IPO các doanh nghiệp Việt Nam và thủ tục tham gia đầu tư là như thế nào? Một doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, có công nghệ tốt và kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực hải cảng và hàng không. Họ đặt câu hỏi làm thế nào để có thể tham gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và tìm được đối tác Việt Nam.
Đáp lại sự quan tâm của nhà đầu tư, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, ở Việt Nam có ba sàn chứng khoán, trong đó sàn UPCoM là dành cho các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết, là nơi nuôi dưỡng, giúp doanh nghiệp làm quen với cơ chế niêm yết, công bố thông tin.
Sàn niêm yết dành cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn về vốn, về hiệu quả kinh doanh, về tính đại chúng. Hiện tại, sàn niêm yết có gần 30 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa tỷ USD, còn sàn UPCoM có 20 doanh nghiệp rất lớn, đang chuẩn bị lên sàn niêm yết.
"Với tổng cộng gần 1.500 doanh nghiệp trên sàn và sẽ tăng mạnh về số lượng, tôi tin rằng thị trường vốn Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Dũng nói.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính chia sẻ, thời gian qua Việt Nam tập trung phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, còn thị trường trái phếu doanh nghiệp vẫn rất nhỏ bé. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp VIệt Nam vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng là chính, kể cả vốn vay trung và dài hạn.
Trước thách thức này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy bằng nhiều giải pháp như: Nhóm giải pháp liên quan đến thị trường sơ cấp, tập trung vào yêu cầu doanh nghiệp minh bạch nhiều hơn là tình hình tài chính phải có lãi như trước đây.
Trên thị trường thứ cấp, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp làm tăng tính thanh khoản.
Cũng theo bà Hiền, hiện tại thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá khó khăn, nhưng trong tương lai sẽ xây dựng một trung tâm thông tin về phiếu doanh nghiệp, do Sở Giao dịch Chứng khoán làm đầu mối.
Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị ban hành Nghị định về trái phiếu chính phủ và đặc biệt, với nhà đầu tư nước ngoài, việc đầu tư trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam không bị giới hạn về tỷ lệ đầu tư.
Ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng chục cuộc gặp gỡ song phương đã được thực hiện tại chỗ giữa nhà đầu tư Hàn Quốc và Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham dự hội nghị như: Vietnam Airlines, SCIC, Tập đoàn Bảo Việt, VNPT… nhận được nhiều sự quan tâm nhất của nhà đầu tư Hàn Quốc là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Mang đến Hội nghị rất nhiều cơ hội đầu tư từ thoái vốn trong năm 2018 tại hàng loạt các doanh nghiệp niêm yết lớn như: Nhựa Tiền Phong, Công ty Cổ phần Xuất nhập Sa Giang, Domesco, FPT.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC, cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc có mối quan tâm rất cụ thể và họ hỏi danh mục thoái vốn, cách thức thoái vốn, cơ hội có thể hợp tác đầu tư giữa 2 bên.
Hiện có khoảng 2.600 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào các doanh nghiệp có vốn của SCIC (TRA - 40% vốn từ Hàn Quốc; SIC (Công ty Đầu tư của SCIC) có 2 liên doanh với nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực phụ trợ và quản lý quỹ.). Trong lĩnh vực bảo hiểm, có 2 công ty có vốn của SCIC liên doanh với đối tác Hàn Quốc là Vinare và Bảo Minh.
Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút vốn ngoại và nếu Chính phủ mở cửa rộng hơn cho vốn ngoại, đồng thời cam kết xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, an toàn thì chắc chắn dòng vốn Hàn Quốc sẽ chảy mạnh vào Việt Nam.
Trong khi đó, ông JunDong Kim, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc cho biết Hiệp hội các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện có 200.000 thành viên là doanh nghiệp, trong đó trên 50% rất quan tâm đến châu Á, trong đó Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn nhất.
Với sự cầu thị của phía Việt Nam Nam và sự quan tâm sâu sắc đến Việt Nam từ nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Kim cho rằng mối quan hệ đầu tư, thương mại hai nước nước sẽ ngày càng phát triển, đạt được các mục tiêu mà người đứng đầu hai quốc gia đã cam kết.