Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa "hiện diện" trong công tác khen thưởng
Công tác thi đua khen thưởng còn tập trung vào nhóm công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và cơ quan quản lý Nhà nước, trong khi chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa được đề cập đến...
Ngày 31/8, Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức cuộc họp về khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh, để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
TIẾN TRÌNH CHẬM SẼ MẤT ĐI Ý NGHĨA KHEN THƯỞNG
Báo cáo về tình hình khen thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, ông Phạm Huy Giang, Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban soạn thảo dự án luật cho biết, thời gian qua đã có nhiều tập thể, cá nhân thuộc các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước, trong đó có cả doanh nghiệp FDI được tặng thưởng các danh hiệu thi đua.
So sánh giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước thì công tác khen thưởng với tập thể, cá nhân doanh nghiệp nhà nước được thực hiện tương đối bài bản, theo quy định; tuyến trình khen thưởng được xác định rõ ràng.
Tuy nhiên, theo ông Giang, thực tế thời gian qua còn vướng mắc đối với công tác khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Đó là, việc tổ chức thi đua ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa tạo ra những tác động rõ nét tới kết quả sản xuất kinh doanh, nên việc công nhận các danh hiệu thi đua cho công nhân, người lao động, tập thể trong các doanh nghiệp này nhìn chung chưa được thực hiện nghiêm túc…
Bên cạnh đó, một bộ phận người đứng đầu doanh nghiệp ngoài nhà nước hầu hết quan tâm đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đến lợi nhuận mà không quan tâm, thậm chí không muốn tham gia thi đua.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tiến trình khen thưởng như hiện nay là rất chậm, có khi 6 tháng đến 1 năm mới trình xong danh sách, như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa của sự khen thưởng. “Việc khen thưởng còn mang tính một chiều, có đề nghị, đề xuất khen chưa có tính phát hiện, thậm chí vẫn còn cơ chế xin – cho trong khen thưởng”, ông Phòng dẫn chứng.
Theo ông Phòng, mặt khác một số phong trào thi đua được phát động nhưng còn hình thức, việc đánh giá và khen thưởng chưa kịp thời. Vẫn còn những danh hiệu được tôn vinh không đúng thẩm quyền, không hiệu quả gây lãng phí và còn biến tướng thành các hình thức khác nhau như bình xét, bình chọn…gây bức xúc trong xã hội và bất cập trong công tác quản lý.
Ngoài ra, tiêu chuẩn của các danh hiệu cũng chưa được quy định rõ ràng, việc bình xét còn chưa được minh bạch, chặt chẽ và vẫn còn cảm tính và cào bằng.
Về công tác thi đua khen thưởng, đại diện VCCI nói rằng còn tập trung vào đối tượng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và cơ quan quản lý Nhà nước, trong khi đối tượng là chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa được đề cập đến.
Về thủ tục, theo ông Phòng còn “phức tạp, rườm rà, mất rất nhiều thời gian”. Vì vậy, vấn đề này cần được điều chỉnh để dễ làm, dễ thực hiện và kiểm tra được, đảm bảo khen thưởng kịp thời.
Bên cạnh đó, hiện nay thẩm quyền, tuyến trình, các điều kiện tiêu chuẩn của các hình thức thi đua khen thưởng đang tập trung xây dựng theo đơn vị hành chính và cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực. Bởi vậy, việc phát hiện khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân chưa được kịp thời và gặp rất nhiều khó khăn.
“Các doanh nghiệp hiện nay thường hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề và trên nhiều địa bàn trong và ngoài nước. Nếu quy định cơ quan, địa phương nào ra quyết định thành lập hoặc trụ sở chính của doanh nghiệp đóng trên địa phương nào thì địa phương đó trình khen, sẽ phải qua rất nhiều cấp, mất nhiều thời gian và rất khó cho doanh nghiệp”, ông Phòng băn khoăn.
ĐƠN GIẢN THỦ TỤC, KHÔNG PHÂN BIỆT LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP
Từ những thực tế trên, ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị luật sửa đổi tới đây cần bổ sung các đối tượng điều chỉnh rộng hơn. Về thủ tục, hồ sơ cần được quy định cụ thể cho từng hình thức theo hướng giảm thủ tục hành chính.
Cũng cho rằng, lâu nay vẫn còn nặng về khen các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà ít chú trọng ở khu vực tư nhân, ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đề xuất, trong luật sửa đổi cần đổi mới, tiêu chuẩn xét duyệt, tuyệt đối “đừng dài dòng”.
“Càng cụ thể được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, chuyện thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước là tiêu chuẩn số một, hai là phải nêu rõ nộp ngân sách một năm bao nhiêu và cụ thể trong luật”, ông Cừ nêu quan điểm.
Ở góc độ cơ quan soạn thảo, ông Phạm Huy Giang cho biết, từ những vấn đề thực tiễn trong việc khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp, Ban soạn thảo luật đề xuất, tới đây sẽ không phân biệt doanh nghiệp khu vực nhà nước hay khu vực ngoài nhà nước về đối tượng và điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng, bởi vì mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.
Bên cạnh đó, mặc dù luật đã qui định 5 hình thức khen thưởng, gồm: theo thành tích và công trạng, chuyên đề, đột xuất, đối ngoại, công hiến, nhưng để khen thưởng cho doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp cần có những quy định cụ thể trong luật. Hướng khen thưởng doanh nghiệp vào những hình thức cụ thể, vì các doanh nghiệp được thành lập và tổ chức hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu chí đánh giá đối với các tập thể và cá nhân sẽ khác nhau.