Vụ khai thác trái phép đất hiếm: Chủ tịch Công ty Thái Dương phải nộp hơn 712 tỷ đồng
Theo Viện kiểm sát, các bị cáo đều là người có trình độ ở mức độ khác nhau nhưng chỉ vì lợi ích cho doanh nghiệp, cá nhân mà bất chấp phạm tội. Với các bị cáo quản lý đáng lẽ các bị cáo phải tham mưu “gác cổng” cho cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, các bị cáo biết Công ty Thái Dương vi phạm nhưng vẫn cấp phép dẫn đến việc khai thác trái pháp luật...

Ngày 14/5, phiên tòa xét xử 27 bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm tiếp tục với phần tranh luận. Trước khi tranh luận, đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm và đề nghị mức án với các bị cáo.
BẤT CHẤP PHÁP LUẬT VÌ LỢI ÍCH DOANH NGHIỆP
Theo Viện kiểm sát, đất hiếm là loại khoáng sản chiến lược có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp hiện đại. Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, quy hoach và kế hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản quặng đất hiếm một cách bền vững là hậu quả và hiệu quả.
Luật kháng sản năm 2010 có hiệu lực từ 1/7/2011 đã quy định cụ thể và chặt chẽ dối với lĩnh vực khoáng sản. Đồng thời, năm 2012 , Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 9/1/2012 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, trong đó có quặng đất hiếm. Căn cứ theo Chỉ thị trên, việc khai thác đất hiếm bắt buộc phải gắn liền với chế biến sâu.
Đại diện Viện kiểm sát đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi nhóm bị cáo vi phạm quy định về kế toán, vi phạm quy định về khai thác khoáng sản với vai trò cầm đầu của bị cáo Đoàn Văn Huấn đã gây thiệt hại số tiền lớn cho Nhà nước. Hành vi phạm tội của 27 bị cáo là nguy hiểm cho xã hội.
Các bị cáo đều là người có trình độ ở mức độ khác nhau nhưng chỉ vì lợi ích cho doanh nghiệp, cá nhân mà bất chấp phạm tội. Với các bị cáo quản lý đáng lẽ các bị cáo phải tham mưu “gác cổng” cho cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, các bị cáo biết Công ty Thái Dương vi phạm nhưng vẫn cấp phép dẫn đến việc khai thác trái pháp luật. Hành vi của 27 bị cáo cần có mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát cũng xem xét các căn cứ tình tiết tăng nặng giảm nhẹ cho các bị cáo. Ngoài ra, Viện kiểm sát cho rằng qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng cần ghi nhận lời khai về bối cảnh phạm tội cho các bị cáo.
Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, có thành tích trong công tác, có đơn xin xem xét giảm nhẹ hình phạt của nhiều cơ quan, tổ chức.
Các bị cáo công tác tại Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái phạm tội trong thời điểm do dịch Covid 19 bùng phát ảnh hưởng đến các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các mỏ khai thác trên địa bàn. Quá trình giải quyết công việc, các bị cáo không hưởng lợi, sách nhiễu, đòi hỏi doanh nghiệp.
CỰU CHỦ TỊCH CÔNG TY THÁI DƯƠNG BỊ ĐỀ NGHỊ ĐẾN 15 NĂM TÙ
Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị buộc bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Thái Dương mức án từ 5-6 năm tù tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, 4-5 năm tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trong, 3-4 năm tội Gây ô nhiễm môi trường. Tổng hợp hình phạt là 12-15 năm tù.
Có 2 bị cáo được đề nghị mức án bằng thời gian tạm giam, trả tự do tại tòa. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24 tháng tù treo – 18 năm tù.
Theo Viện kiểm sát, trị giá tài nguyên bị khai thác, tiêu thụ trái phép gây thất thoát cho nhà nước hơn 736 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo Huấn là người chiếm hưởng, sử dụng nên buộc bị cáo phải khắc phục. Viện kiểm sát ghi nhận các bị cáo đã nộp hơn 13 tỷ dồng. Do đó, cần buộc bị cáo Huấn nộp hơn 712 tỷ đồng.
Cáo trạng thể hiện, ông Huấn đã chỉ đạo khai thác trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú với tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 736 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Huấn còn chỉ đạo xuất hóa đơn bán quặng đất hiếm và quặng sắt ghi đơn giá thấp hơn giá bán thực tế, qua đó khai man, để ngoài sổ sách hơn 27,9 tỷ đồng, khiến Nhà nước thiệt hại hơn 9,6 tỷ đồng tiền thuế.
Mặt khác, ông Huấn có hành vi gây ô nhiêm môi trường khi chỉ đạo nhân viên xả thải ra môi trường 348.770 tấn bùn thải quặng đuôi và 2.425 tấn bùn thải lẫn thải thạch cao.
Liên quan đến vụ án này, một số cán bộ nhà nước đã cố ý làm trái nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép khai thác quặng đất hiếm cho Công ty Thái Dương.
Tại tòa, ông Huấn thừa nhận cáo trạng, về số quặng đã khai thác, tiêu thụ cũng như số tiền, bị cáo không nhớ rõ, quá trình hoạt động kinh doanh, bị cáo giao việc sổ sách, số liệu cho bộ phận kế toán tổng hợp.
Bị cáo khai nhận mình chỉ học lớp 8, nghiệp vụ bị cáo giao hết cho bộ phận kế toán. Khi thành lập công ty có 3 cổ đông gồm bị cáo, vợ và anh trai bị cáo, tuy mô hình là công ty cổ phần nhưng thực chất là công ty gia đình. Công ty đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực, có khai thác khoáng sản, quặng, đất hiếm.
Tổng tài sản công ty bị cáo không nhớ, tất cả giao cho kế toán, bị cáo áng chừng là hơn 1.000 tỷ đồng riêng máy móc thiết bị, ngoài ra còn 2 nhà máy đất hiếm ở Yên Bái. Công ty chủ yếu khai khoáng, hoạt động ở Yên Bái, có giấy phép khai thác từ năm 2013 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Trả lời chủ tọa, ông Huấn khẳng định không nhờ vả tác động đến ai, cũng không chi quà cho ai để được cấp phép.
Theo trình bày, ông Huấn khai cứ nghĩ theo quy định không được xuất khẩu quặng thô chứ không có quy định nào cấm bán quặng thô trong nước. Đây là hạn chế hiểu biết của bị cáo. Bị cáo không nghĩ là không được bán quặng thô trong nước.