Doanh nghiệp ồ ạt tăng vốn, thị trường sẽ bị hút bao nhiêu tiền?
Mùa đại hội cổ đông năm nay, các doanh nghiệp tranh thủ chào bán tăng vốn hàng tỷ cổ phiếu mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với hàng chục ngàn tỷ đồng tiền mặt sẽ chuyển thành cổ phiếu
Nhiều dòng tiền vẫn đổ vào thị trường chứng khoán khiến các kỷ lục về tổng giá trị khớp lệnh liên tiếp được phá. Mặc dù tiền nhiều nhưng “hàng mới” được các công ty tung ra cũng nhiều không kém.
THANH KHOẢN LIÊN TỤC "PHÁ ĐỈNH"
Thông thường, để đo cường độ dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, cách dễ nhất là nhìn vào thanh khoản. Tại phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 (4/1), đỉnh thanh khoản trên HOSE đã được xác lập với hơn 16.200 tỷ đồng. Dòng tiền lớn được lan tỏa khắp các nhóm ngành và chỉ số VN-Index được kéo mạnh vượt qua mốc 1.120 điểm.
Sang phiên liền sau (5/1), kỷ lục thanh khoản này đã bị xô đổ với mức 17.000 tỷ đồng. Thậm chí, nếu tính tổng giá trị giao dịch toàn thị trường gồm cả HOSE, HNX và UpCom thì con số này còn lên gần 19.300 tỷ đồng, trong đó có khoảng 18.000 tỷ đồng khớp lệnh trực tiếp trên sàn.
Vào thời điểm đó, đây là thanh khoản kỷ lục trong vòng 20 năm. Bởi lẽ, trước kia cũng có nhiều phiên thanh khoản cao nhưng đều thực hiện qua phương thức thỏa thuận. Điển hình như phiên 15/6/2020, thanh khoản thị trường đạt 24.000 tỷ đồng nhưng có tới 15.000 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận VHM. Hay như phiên 18/5/2018, giao dịch thỏa thuận VHM 29.240 tỷ đồng cũng làm thanh khoản thị trường vọt lên hơn 35.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thanh khoản cũng chưa thể đo đếm hết sức mạnh của dòng tiền mới do hệ thống lúc này thường xuyên bị nghẽn.
Thực tế cũng cho thấy, dòng tiền vào thị trường còn có thể mạnh hơn rất nhiều so với “thước đo” thanh khoản. Tại ngày 12/4, sau nỗ lực giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh của HOSE, thanh khoản sàn này được nâng lên một tầm cao mới với hơn 21.500 tỷ đồng, trong đó có gần 20.000 tỷ đồng qua khớp lệnh.
Theo nhiều công ty chứng khoán, dòng tiền mà thị trường đang đón nhận chủ yếu tại 2 nguồn. Thứ nhất, dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư mới (F0). Số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước mở tài khoản chứng khoán riêng trong tháng 3/2021 đạt 113.191 tài khoản. Đặc biêt, số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới trong tháng 3 cũng xác lập kỷ lục với 502 tài khoản, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.
Thứ hai, nguồn vốn của các công ty chứng khoán thông qua dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin). Thống kê của VnEconomy tại 30 công ty chứng khoán trên thị trường cho thấy, dư nợ cho vay tín đến 31/3/2021 là hơn 110.000 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với thời điểm đầu năm.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng cho biết, trong thời gian tới, lượng tiền đổ vào thị trường sẽ còn nhiều hơn khi khối ngoại vẫn duy trì lượng tiền mặt lớn, khoảng 2,7 tỷ USD. Tín hiệu tích cực từ dòng vốn ETF cũng xuất hiện ngày một nhiều.
DOANH NGHIỆP Ồ ẠT TĂNG VỐN
Cùng với lượng tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết cũng tung ra nhiều “hàng mới”.
Ở khối chứng khoán, Công ty Chứng khoán VNDIRECT lên kế hoạch phát hành 214,51 triệu cổ phiếu, huy động 3.110 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Chứng khoán Tp.HCM có kế hoạch chào bán 152,52 triệu cổ phiếu, huy động 2.135,5 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ, bảo lãnh phát hành và tự doanh.
Công ty Chứng khoán MB dự kiến phát hành 78,64 triệu cổ phiếu ESOP và cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu để huy động 786,4 tỷ đồng, bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ, hoạt động đầu tư, phát triển nền tảng công nghệ…
Ở khối ngành khác, Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 1.056 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm gần 106 triệu cổ phiếu. Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai lên kế hoạch phát hành thêm 129,4 triệu cổ phiếu nhằm huy động 1,294,3 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu với mục đích dùng 700 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng và 594,3 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Bên cạnh đó, ở nhóm ngân hàng, các ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng quy mô vốn, trong đó BID dự kiến phát hành riêng lẻ 341 triệu cổ phiếu, tương đương 3.400 tỷ đồng tính theo mệnh giá.
Nhìn chung, theo dữ liệu từ FiinGroup, trong quý 1/2021, có 43 doanh nghiệp đã huy động được gần 19.800 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 1,1 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương gần 70% giá trị phát hành của cả năm 2020.
Cũng theo FiinGroup, cập nhật đến ngày 13/4/2021, có 54 doanh nghiệp niêm yết dự kiến phát hành thêm 4,2 tỷ cổ phiếu nhằm huy động gần 44.700 tỷ đồng trong thời gian tới, gấp gần 1,6 lần tổng giá trị phát hành trong năm 2020 và gấp 2,3 lần quý 1/2021. Trong đó, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu 27.500 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ 14.200 tỷ đồng.
Thậm chí, sau ngày thống kê (13/4) của FiinGroup, nhiều doanh nghiệp cũng đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông và thông qua phương án tăng vốn. Điển hình như sáng ngày 17/4, nhằm gia tăng nguồn lực, PNJ đã thông qua phương án phát hành 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,6% lượng cổ phiếu lưu hành. Song song, PNJ cũng phát hành hơn 3,4 triệu cổ phiếu ESOP 2020 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Hay như chiều ngày 22/4, ngoài phương án tăng vốn từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, đại hội ngân hàng SHB cũng thông qua kế hoạch chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán đề xuất là 12.500 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, lượng tiền bị hút bởi lượng "hàng mới" dự kiến sẽ liên tục gia tăng trong thời gian tới khi các doanh nghiệp lần lượt tổ chức đại hội cổ đông xong. Và vì bị hút từ trước nên nên tổng sức mua của thị trường sẽ bị giảm đi đáng kể.
Nhìn vào quá khứ, năm 2008 hoặc năm 2018, khi chứng khoán bùng nổ, nhiều doanh nghiệp cũng tăng huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu mới và diễn biến thị trường điều chỉnh thường diễn ra ngay liền sau.
Vẫn chưa rõ đợt ồ ạt tăng vốn của các doanh nghiệp trong năm 2021 có được dòng tiền mới hấp thụ hết không, hay lịch sử lại tái diễn. Song chỉ biết, thị trường hôm qua (22/4) đã xuất hiện một phiên sụt mạnh, chỉ số VN-Index giảm tới hơn 40 điểm (-3,19%) và dừng ở mức 1.227,82 điểm.