06:00 10/04/2013

Doanh nghiệp Việt đang bị “ngoại hóa”

Mai Minh

“Doanh nghiệp ngoại đang nhân cơ hội đình đốn của sản xuất trong nước để bỏ tiền mua lại các tài sản rẻ của doanh nghiệp Việt”

Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
“Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang nhân cơ hội đình đốn để bỏ tiền mua lại các tài sản rẻ của doanh nghiệp Việt Nam. Ngay cả thị trường cà phê, nước, bánh kẹo, vật dụng hàng ngày đều bị “ngoại hóa”... và thiếu đi bóng dáng của các doanh nghiệp Việt”, ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu quan điểm khi trao đổi với chúng tôi.

Nhìn vào nền kinh tế quý 1/2013, có nỗi lo mới nào xuất hiện trong ông?

Trước hết, tôi vẫn muốn nhắc lại những nỗi lo cũ. Thứ nhất là vấn đề xử lý nợ xấu tuy có giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN từ 1/6/2013, nợ xấu có thể tăng cao.

Hiện nay, chúng ta đặt ra mục tiêu là giảm tỷ lệ nợ xấu và đảm đương trách nhiệm chính trong công việc này là công ty giải quyết nợ xấu (VAMC). Tuy nhiên cho đến nay, công ty này vẫn chưa thể được thành lập để đi vào hoạt động. Tôi cho rằng chúng ta cần đi thẳng trực diện vào giải quyết nợ xấu thì mới tái cơ cấu hiệu quả các tổ chức tín dụng.

Đối với các giải pháp hâm nóng thị trường bất động sản cũng chỉ mới có một dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai quy định hỗ trợ về lãi suất cho người thuê, mua nhà ở xã hội với gói 30.000 tỷ, lãi suất 6%/năm trong 3 năm, dự kiến áp dụng từ 15/4, như vậy là chậm.

Cùng đó, quy định cũng chưa rõ ràng và có phần cứng nhắc, chẳng hạn hết 3 năm ưu đãi, lãi suất sẽ là bao nhiêu thì chưa được Chính phủ đề cập đến. Theo tôi, thời hạn hỗ trợ lãi suất cần kéo dài hơn, phải từ 7-10 năm, hoặc áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ở bằng lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước. Hay trong việc Ngân hàng Nhà nước quy định dựa vào diện tích nhà để xác định số tiền tối đa được vay, trong khi chỉ cần quy định rõ đối tượng ưu tiên được vay số tiền vay tối đa là bao nhiêu.

Còn nỗi lo mới xuất hiện trong tôi là về khu vực dân doanh. Thực tế thì đây cũng không hẳn là nỗi lo mới, nhưng nỗi lo này ngày càng trở nên “mãnh liệt” hơn. Nhất là khi vừa rồi tôi chứng kiến Hội nghị tổng kết 25 năm nguồn vốn FDI vào Việt Nam với rất nhiều lời hứa về ưu đãi từ phía Chính phủ với khu vực này. Điều này cho thấy chúng ta đã và đang ngày càng mở toang cánh cửa cho các doanh nghiệp ngoại.

Tôi cho rằng, hiện nay, chúng ta vẫn cần thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng chỉ nên ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, máy móc thiết bị hiện đại... và có những quy định về rào cản kỹ thuật để hạn chế những dự án cần hạn chế mang tính chiến lược.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang nhân cơ hội đình đốn của sản xuất trong nước để bỏ tiền mua lại các tài sản rẻ của doanh nghiệp Việt Nam. Ngay cả thị trường cà phê, nước, bánh kẹo, xà phòng, kem đánh răng, vật dụng hàng ngày đều đang bị “ngoại hóa”... và ngày càng thiếu đi bóng dáng của các doanh nghiệp Việt.

Nhưng như Thủ tướng Chính phủ vẫn thường nhấn mạnh  chúng ta cần đảm bảo bình đẳng cho các thành phần kinh tế, thưa ông?

Có thể nói đó chỉ là mong muốn, nhưng từ mong muốn đến thực tế vẫn còn khoảng cách, nhất là khi giữa lời nói và hành động chưa đồng hành cùng nhau. Chúng ta thấy rõ là ngay cả khi Chính phủ luôn tuyên bố đảm bảo bình đẳng thì trong cách ứng xử không hoàn toàn như vậy.

Doanh nghiệp nhà nước thường xuyên được thúc giục tái cơ cấu, doanh nghiệp FDI thì có hẳn những hội nghị hoành tráng để tôn vinh như hội nghị tổng kết 25 năm vừa rồi, nhưng doanh nghiệp dân doanh - nơi đóng góp gần 50% GDP, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động - thì không mấy khi được nhắc tới một cách sôi nổi và với sự quan tâm nhiều như vậy.

Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp dân doanh ít được chú ý hơn, vì họ cứ “nhỏ và vừa” mãi mà không chịu “lớn”. Xin cho biết quan điểm của ông?

Đúng là hiện nay, khu vực dân doanh có nhiều khiếm khuyết nên khó có thể tự vươn lên. Mặc dù vậy, tôi cho rằng chúng ta cần phải nhìn những khiếm khuyết này như là những thiệt thòi cần được bù đắp và lẽ ra càng “nhỏ và vừa”, họ càng phải được quan tâm hơn.

Vậy theo ông, Nhà nước cần phải thể hiện sự quan tâm thế nào để khối này không còn thấy “tủi thân” vì quá thiệt thòi mà không lớn lên được?

Nhà nước cần đầu tư tổng lực về vốn, cơ chế và chính sách. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị quyết riêng để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho thị trường bất động sản... thì tại sao không thể ban hành một Nghị quyết riêng cho doanh nghiệp dân doanh để vực dậy khu vực này; nhất là khi trong 2 năm qua, tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp này ngày càng suy kiệt, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản chỉ trong 2 năm đã lên đến 100.000.

Chúng ta cũng thấy là trong thời gian qua, khi Chính phủ bắt tay vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì tổng vốn đầu tư xã hội cho khu vực Nhà nước giảm từ 40% xuống còn 35%. Khi giảm nguồn vốn cho khu vực Nhà nước thì nên tăng nguồn lực này cho khu vực dân doanh.

Chúng ta cần có những hành động cụ thể và thiết thực thay vì chỉ là những lời hứa đã khiến khối này phải mòn mỏi quá lâu trong chờ đợi. Nếu để đến lúc họ thực sự kiệt sức và bị “ngoại hóa” thì đến bao giờ chúng ta mới có thể khôi phục được niềm tự hào về những thương hiệu Việt, những doanh nghiệp Việt?