09:23 11/08/2016

“Đòi” bình đẳng đất đai cho doanh nghiệp vốn ngoại

Nguyên Vũ

Đề xuất mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tiếp cận đất đai

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: Mỹ An.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: Mỹ An.
Luật Đất đai còn sự phân biệt đối xử giữa các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước về hình thức sử dụng đất.

Đây là ý kiến của Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế tại hội thảo về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 11/8.

Quyền đang bị hạn chế

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng Luật Đất đai là một trong số các luật có nhiều quy định cần phải sửa đổi tại dự thảo một luật sửa nhiều luật nói trên.

Sự phân biệt đối xử về hình thức sử dụng đất, theo các vị luật sư, cụ thể là bên cho vay nước ngoài không thể nhận thế chấp bất động sản ở Việt Nam. Và điều này được cho là hạn chế việc giải quyết tình trạng khó mua bán nợ xấu.

Theo Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế, Luật Đất đai cần được sửa đổi để cho phép tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài cũng có được quyền sử dụng đất theo các hình thức như các tổ chức kinh tế trong nước.

Tổ chức nước ngoài có thể trực tiếp nhận thế chấp đối với bất động sản hoặc uỷ thác cho một ngân hàng tại Việt Nam nhận tài sản bảo đảm cho  nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng liên quan đến Luật Đất đai, nhóm nghiên cứu của CIEM phát hiện, quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế trong trường hợp nhận chuyển nhượng đất.

Nhóm nghiên cứu phân tích, theo điều 4 của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam. Như vậy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, điều 3 Luật Đất đai thì lại loại trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế.

Một số quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế hơn so với tổ chức kinh tế, trong đó có quyền được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình mà chỉ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới để thực hiện dự án đầu tư.

Đề xuất mở rộng diện Nhà nước thu hồi đất

Nhóm nghiên cứu còn phát hiện, theo Luật Đất đai, Nhà nước chỉ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Do vậy, quỹ đất để Nhà nước giao, cho thuê bị thu hẹp lại, dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn thực hiện dự án đầu tư nhưng không có quỹ đất đất để thực hiện. Trong khi, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể có nguồn lực tài chính để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình.

Đề xuất sửa đổi của nhóm nghiên cứu là mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tiếp cận đất đai bằng một trong hai hình thức.

Một là cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư.

Và hai là, mở rộng diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.