06:00 30/05/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22 phát hành ngày 30-05-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2022

Thị trường tài chính Việt Nam được đánh giá đã phát triển tương đối đầy đủ, với 3 khu vực chính bao gồm: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Quy mô tính theo thông lệ đến cuối năm 2021, tương đương khoảng 300% GDP. Trong đó, hệ thống ngân hàng giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 57,2%; thị trường cổ phiếu chiếm 28,4%; dư nợ thị trường trái phiếu và doanh thu phí bảo hiểm chiếm lần lượt 13,6% và 0,8% quy mô hệ thống tài chính Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội thì hiện có bốn rủi ro đang xuất hiện có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường tài chính. Đặc biệt, trải qua 2 năm khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19, thị trường tài chính bộc lộ những rủi ro mới.

Trong số báo mới ra ngày 30-5-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho chủ đề đang được quan tâm đặc biệt "Triển vọng thị trường tài chính Việt Nam 2022" với những góc nhìn và quan điểm của giới chuyên gia, nhà quản lý.

Bao gồm các bài viết:

- Thị trường tài chính Việt Nam 2022: Cơ hội đan xen thách thức. Năm 2021, vượt qua những diễn biến tiêu cực từ dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá cả hàng hoá cơ bản biến động phức tạp… các cấu phần của thị trường tài chính vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Sang năm 2022, thị trường tài chính Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục đón nhận những khó khăn nhưng sẽ đan xen với các thuận lợi. (Đào Vũ).

- Biến giấc mơ trung tâm tài chính khu vực thành hiện thực. Sau TP.Hồ Chí Minh, mới đây TP.Đà Nẵng đã giới thiệu đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực. Các chính quyền địa phương kỳ vọng biến hai nơi này thành nơi trung chuyển vốn của khu vực và tiến tới là của toàn cầu. Song, nhiều chuyên gia khuyến nghị nên nhìn vào chiều sâu của thị trường tài chính Việt Nam để có lộ trình phát triển khả thi, hiệu quả. (Phan Linh).

- Làm gì để thị trường tài chính chạy êm?Trải qua 2 năm khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19, thị trường tài chính bộc lộ những rủi ro mới. Đây là điều đáng lo trong bối cảnh dòng chảy thông tin đến với các nhà đầu tư rất thiếu những báo cáo ngành đáng tin cậy giữa vô số báo cáo đáng ngờ xuất xứ từ những chủ thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. (Vũ Phong – Hoàng Lan thực hiện).

Và các bài viết cho chủ đề: "Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu Covid- 19 – Xây dựng nơi làm việc hòa nhập":

- Thị trường lao động sau dịch vẫn bấp bênh. Dịch Covid-19, với đỉnh điểm khốc liệt hồi quý 3 năm ngoái, được coi là chưa từng có trong lịch sử dịch bệnh ở nước ta, đã gây nhiều thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, mà một trong những nơi bị hệ lụy nặng nhất là thị trường lao động. (Nguyễn Quốc Uy).

- Nỗ lực vực dậy nguồn nhân lực hậu Covid-19. Đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam luôn là vấn đề rất quan trọng, bởi đó là điều kiện cần giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững. Sau hơn hai năm đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực hiện đang rất cần sự quan tâm đặc biệt...  (Lý Hà).

- Vừa vực dậy, vừa hồi phục nguồn nhân lực sau đại dịch.P/v bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), xung quanh chủ đề: “Vực dậy nguồn lực lao động sau khủng hoảng Covid-19, xây dựng nơi làm việc hạnh phúc”.( Hà Lê thực hiện).

- Tăng năng suất lao động: Bài toán khó vẫn có cách giải. Nâng cao năng suất lao động là một bài toán khó không chỉ đối với Việt Nam và càng khó hơn, khi bị những tác động của đại dịch Covìd-19. Khó cũng phải giải vì “chìa khóa” để đến năm 2045, Việt Nam phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao chính là nâng cao năng suất lao động. (Dũng Hiếu).

- Người lao động sau đại dịch: Cần được tiếp thêm giải pháp hỗ trợ. Cuộc khảo sát mới đây của Chương trình “Đầu tư vào phụ nữ“ (Investing in Women) đã phần nào cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 tới cuộc sống của những người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, từ sức khỏe, tinh thần, chăm sóc gia đình đến việc làm, năng suất lao động, tài chính của họ. Khảo sát được thực hiện trên 600 người, trong đó một nửa là nữ giới. (Hà Lý).

Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

- Chống lạm phát phi mã 1988 – 1989: Ông Đỗ Mười đã chỉ đạo thành công như thế nào? (Lê Đức Thúy – Nguyên trợ lý Tổng Bí thư Đỗ Mười).

- Đến thời FDI cần những “bộ lọc”. Việc xây dựng Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2021-2030 xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, dự án ưu tiên, đối tác ưu tiên thông qua “bộ lọc” phù hợp với định hướng “đa phương hóa, đa dạng hóa” sẽ giúp Việt Nam đi tiếp chặng đường 35 năm tới.  P/v TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), Chủ tịch Hội đồng biên soạn Báo cáo thường niên FDI 2021 vừa được phát hành ngày 12/5 và TS. Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thành viên Hội đồng biên soạn. (Anh Nhi).

- Chuyển đổi số - động lực cải cách nền hành chính. Việt Nam đang trong quá trình “Chuyển đổi số” và một số kết quả của nó đã được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận… qua chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021. Trả lời báo chí về các chỉ số này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cho biết cần phải thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thật mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến cấp cơ sở… (Tuấn Dũng thực hiện).

- Hiến kế cho công cuộc chuyển đổi số của Đà Nẵng. Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Đà Nẵng được xếp hạng nhất về chuyển đổi số 2020 cấp tỉnh, thành và giữ vị trí dẫn đầu ở cả 3 trụ cột chính: quyền số, kinh tế số và xã hội số, với giá trị 0,4874. Hiện nay, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phần việc quan trọng liên quan đến chuyển đổi số trong năm 2022 và các năm tiếp theo. (Hoàng Việt thực hiện).

- Đà Nẵng tạo động lực phát triển bằng chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang được Đà Nẵng xác định là động lực để giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá trong phát triển thành phố, đặc biệt tạo thêm các lĩnh vực mới, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống. (Thủy Diệu).

- Báo chí giờ phải quay lại thời “cậu bé ném báo vào từng gia đình”.  Hình ảnh “cậu bé ném báo vào từng gia đình” để biết được gia đình đó sống ở đâu, có mấy người con, khả năng thu nhập như thế nào… Ngoài xu hướng chuyển đổi số bắt buộc, các báo còn phải chủ động trong việc thu thập dữ liệu của độc giả bởi có được mối quan hệ với độc giả, hiểu được độc giả thì phần thắng trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội ít nhất đã là 50%. (Mạnh Chung).

- Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore: Doanh nghiệp chuyển hướng chiến lược hậu đại dịch. Từng bước phục hồi và tăng tốc hậu đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, Singapore và các quốc gia khác đang chuyển hướng chiến lược kinh doanh và thay đổi danh mục đầu tư, hướng đến những lĩnh vực tăng trưởng bền vững, gắn với kinh tế xanh. (Ánh Tuyết).

- Sơn La xứng danh thủ phủ trái cây, nông sản. Trong hai ngày 28-29/5/2022, tại Sơn La, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và chuỗi sự kiện Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Thông qua hội nghị và Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam, tỉnh Sơn La kỳ vọng sẽ quảng bá các sản phẩm của tỉnh, kết nối giữa Sơn La với các tỉnh trong cả nước để hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây, nhằm thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững; quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới… Nhân dịp này, p/v ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về những kế hoạch sắp tới của tỉnh. (Chu Khôi thực hiện).

- Gia tăng nguồn vốn FDI vào bất động sản công nghiệp. Trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, logistics, kho bãi tại Việt Nam liên tục tăng. Dự kiến, trong thời gian tới, với các dấu hiệu tích cực về việc cấp phép đầu tư cho các khu công nghiệp của Việt Nam, nguồn vốn đầu tư cũng như cung - cầu đất nhà xưởng xây sẵn, kho bãi, các dịch vụ logistics sẽ còn tiếp tục tăng và được đáp ứng tốt hơn. (Linh Lan).

- Vì sao doanh nghiệp hàng không bị thua lỗ “đeo bám” dai dẳng ?Hàng loạt nhân tố khó dự đoán vẫn “rình rập” ngành hàng không, làm đảo lộn các kịch bản phục hồi và phát triển trong năm nay nhất là khi khách quốc tế vẫn vắng bóng. (Trâm Anh).

- Khơi thông điểm nghẽn logistics: Lối thoát cho nông sản đất Chín Rồng. Điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng. Vì thế cần phải xây dựng được hệ sinh thái logistics khép kín để “dòng chảy” nông sản ra thị trường nhanh hơn. (Vũ Khuê).

- Doanh nghiệp bình ổn giá khó… giữ giá. Giá xăng đã ở mức cao, lại tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục trong chiều 23/5, gây áp lực lớn lên giá cả hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp thuộc Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM hiện đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không điều chỉnh giá. (Lưu Hà).

- Nga: Kinh tế đi xuống, đồng tiền tăng giá mạnh. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga có thể khiến nền kinh tế nước này sụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tỷ giá đồng Rúp Nga lại đi theo một chiều hướng hoàn toàn trái ngược. (Bình Minh).

- Tâm trạng bi quan của giới tài chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Giới tinh hoa tài chính toàn cầu trong tuần qua đã hội tụ tại chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Davos trên dãy Alps Thuỵ Sỹ. Triển vọng kinh tế toàn cầu u ám là một trong những chủ đề được nói đến nhiều nhất tại diễn đàn lần này. (An Huy).

- Thời trang bền vững phải gắn chặt với đạo đức. Mặc dù năm 2021 và 2022 đã chứng kiến nhiều sáng kiến hứa hẹn một tương lai xanh hơn, nhưng ngành thời trang vẫn bị cho là đã vô tình  hoặc cố ý bỏ qua những sự thật nghiêm trọng về tính bền vững đối với môi trường. (Minh Nguyệt)