20:45 02/10/2018

Đồng Rupiah của Indonesia chạm đáy 20 năm

Thăng Điệp

Dù Indonesia đã nâng lãi suất 5 lần từ tháng 5 đến nay, đồng Rupiah của nước này vẫn đối mặt áp lực giảm giá mạnh

Đồng Rupiah đã mất giá khoảng 10% trong năm nay - Ảnh: Bloomberg.
Đồng Rupiah đã mất giá khoảng 10% trong năm nay - Ảnh: Bloomberg.

Đồng Rupiah của Indonesia ngày 2/10 lần đầu tiên trong 20 năm rớt qua ngưỡng 15.000 Rupiah đổi 1 USD, trong bối cảnh giới đầu tư trở nên dè chừng hơn với tài sản các nền kinh tế mới nổi và giá dầu tăng mạnh.

Theo hãng tin Bloomberg, đồng Rupiah đã mất giá khoảng 10% trong năm nay, dưới sức ép của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất khiến đồng USD tăng giá.

Ngoài ra, tỷ giá đồng Rupiah còn giảm do thâm hụt cán cân vãng lai của Indonesia khiến nước này dễ chịu ảnh hưởng của những biến động tài chính xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.

Giá dầu thế giới hiện đã tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm tháng 2/2016, đẩy chi phí nhập khẩu tăng, làm tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai của Indonesia càng thêm nghiêm trọng.

"Với việc Mỹ nâng lãi suất, giá dầu tăng đặt ra khả năng thâm hụt thương mại lớn hơn, và đồng USD tăng giá thời gian gần đây, Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia) sẽ rất khó giữ được mốc tỷ giá 15.000 Rupiah đổi 1 USD", ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu thuộc ngân hàng ANZ ở Singapore, nhận định. "Nếu tâm lý của thị trường không có sự khởi sắc, đồng Rupiah có thể tiếp tục giảm về ngưỡng 15.200 Rupiah đổi 1 USD".

Sự giảm giá của đồng Rupiah diễn ra cho dù Bank Indonesia can thiệp vào thị trường "một cách chừng mực" để hỗ trợ tỷ giá.

Từ tháng 5 đến nay, Bank Indonesia đã có 5 đợt tăng lãi suất nhằm bảo vệ đồng nội tệ khỏi đợt bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi. Tuy vậy, trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, Rupiah vẫn giảm giá về mức 15.051 Rupiah đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào tháng 7/1998.

"Indonesia là một nước nhập khẩu ròng dầu, bởi vậy giá dầu thô tăng và đồng Rupiah yếu đi đang làm dấy lên nỗi lo về sự tăng tốc của lạm phát", chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường mới nổi Toru Nishihama của Dai-ichi Life Research Insititute ở Tokyo nhận định. "Với giá dầu tăng, FED nâng lãi suất và Indonesia có thâm hụt cán cân vãng lai, thì những đồn đoán tiêu cực là điều khó kiềm chế".

Trái phiếu Indonesia cũng đang chịu sức ép lớn. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này tăng 0,14 điểm phần trăm trong phiên ngày thứ Ba, lên mức 8,15%, từ mức 6,32% vào cuối năm 2017.

Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Indonesia giảm 1,3%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm đến nay lên 7,7%.

Ngoài việc nâng lãi suất, Indonesia còn đang hoàn tất các biện pháp nhằm khuyến khích các công ty xuất khẩu giữ USD tại các ngân hàng trong nước và đổi sang Rupiah.