Dow Jones tụt 400 điểm, giá dầu bốc hơi 3%
Thị trường tụt xuống đáy của phiên giao dịch sau khi Đại học Michigan công bố kết quả một cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng lên...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/10), chỉ một ngày sau cú “lội ngược dòng” lịch sử từ giảm sâu sang tăng mạnh vào hôm thứ Năm, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục căn chỉnh kỳ vọng về lạm phát. Nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu một lần nữa đẩy giá dầu thô lao dốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 403,89 điểm, tương đương giảm 1,34%, còn 29.634,83 điểm. Chỉ số S&p 500 sụt 2,37%, còn 3.583,07 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 7 trong vòng 8 phiên trở lại đây.
Chỉ số Nasdaq “bốc hơi” 3,08%, còn 10.321,39 điểm. Đóng góp nhiều nhất vào phiên giảm này của Nasdaq là hai cổ phiếu xe điện Tesla và Lucid Motors, với mức giảm tương ứng 7,6% và 8,6%.
Khép lại một tuần giao dịch đầy biến động, Dow Jones “bỏ túi” thành qua tăng 1,15%. Tuy nhiên, hai thước đo còn lại đều hoàn tất một tuần “đỏ lửa”, với S&P 500 mất 1,55% và Nasdaq mất 3,11% điểm số. Tuần này cũng ghi nhận lần thứ hai trong năm nay, Nasdaq rơi vào thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), hay còn gọi là thị trường “gấu”.
Thị trường tụt xuống đáy của phiên giao dịch sau khi Đại học Michigan công bố kết quả một cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng lên - một diễn biến mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đang theo dõi chặt chẽ. Nasdaq, chỉ số với các cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng chính, giảm mạnh nhất vì các công ty có mức tăng trưởng lớn cũng chính là những doanh nghiệp nhạy cảm nhất với lãi suất tăng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm vượt mức 4% lần thứ hai chỉ trong vòng 2 ngày, khi nhà đầu tư phản ứng với những kỳ vọng lạm phát cao hơn.
Chứng khoán Mỹ đã giằng co trong suốt tuần này khi giới đầu tư nghiền ngẫm các số liệu lạm phát mới. Thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn nóng được xem là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống sự leo thang của giá cả.
Hôm thứ Năm, thị trường đảo chiều chóng mặt từ giảm sâu sang tăng mạnh, với Dow Jones kết thúc phiên trong trạng thái tăng 827 điểm dù có thời gian trước đó trong phiên giảm hơn 500 điểm. S&P 500 tăng 2,6% trong phiên ngày thứ Năm, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, Nasdaq cũng tăng 2,2%. Theo dữ liệu từ SentimenTrader, đây là phiên đảo ngược lớn thứ 5 trong lịch sử của S&P 500 và thứ tư của Nasdaq.
Cú đảo chiều này diễn ra khi nhà đầu tư chuyển từ lo lắng về lãi suất sang rũ bỏ nỗi lo đó. Nhưng rồi đến phiên ngày thứ Sáu, mối lo về lãi suất, lạm phát và suy thoái lại phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư, khiến thị trường có thêm một phiên mất điểm mạnh.
“Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi vẫn đang đi sai hướng và thị trường lao động vẫn mạnh, chưa có các điều kiện cho phép Fed dịch chuyển chính sách. Chỉ khi Fed dịch chuyển, thị trường chứng khoán mới có điều kiện để phục hồi bền vững”, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
“Ngoài ra, khi lạm phát cao dai dẳng và Fed tiếp tục tăng lãi suất, nhiều khả năng các đợt thắt chặt chính sách tiền tệ liên tiếp sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, gây suy yếu triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tụt 2,94 USD/thùng, tương đương giảm 3,1%, còn 91,63 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York trượt 3,5 USD/thùng, tương đương giảm 3,9%, còn 86,51 USD/thùng.
Nỗi lo suy thoái kinh tế và sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, đang gây áp lực giảm lên giá dầu. Ảnh hưởng này lấn át sự hỗ trợ giá dầu từ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mà liên minh OPEC+ công bố tuần trước. Tính cả tuần, giá dầu Brent và WTI giảm tương ứng 6,4% và 7,6%.
Đồng USD tăng giá do kỳ vọng lãi suất Fed cũng là một nguồn áp lực giảm đối với giá dầu trong tuần này. Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số Dollar Index tăng 0,8%.
Số ca nhiễm mới Covid ở Trung Quốc đang tăng mạnh trở lại sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh của nước này. Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid, bất chấp trở ngại mà chính sách này đặt ra đối với hoạt động kinh tế, và kéo theo là nhu cầu tiêu thụ dầu.
Hôm thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023, cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu. Nói về quyết định cắt giảm hạn ngạch sản lượng 2 triệu thùng/ngày của OPEC+, IEA cho rằng mức cắt giảm thực tế sẽ chỉ vào khoảng 1 triệu thùng/ngày, vì sản lượng thực tế của OPEC+ hiện đã thấp hơn sản lượng rồi.