06:40 14/10/2022

Chứng khoán Mỹ đảo chiều lịch sử, giá dầu tăng hơn 2%

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ có một pha đảo chiều lịch sử trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/10), trong đó chỉ số Dow Jones tăng 1.500 điểm từ đáy đến đỉnh, khi nhà đầu tư rũ bỏ nỗi lo liên quan đến bản báo cáo cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục nóng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Giá dầu tăng hơn 2% do dữ liệu phản ánh lượng tồn kho dầu diesel giảm xuống mức thấp vào đúng thời điểm mùa đông đang đến gần.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 827,87 điểm, tương đương tăng 2,83%, chốt ở 30.038,72 điểm, dù có lúc giảm hơn 500 điểm vào đầu phiên giao dịch.

Chỉ số S&P 500 tăng 2,6%, đóng cửa ở mức 3.669,91 điểm, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp trước đó. Chỉ số Nasdaq tăng 2,23%, chốt ở mức 10.649,15 điểm.

Phiên giao dịch đầy biến động chứng kiến giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020 sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu lạm phát nóng hơn dự báo, rồi sau đó là một cú “lội ngược dòng” gây sửng sốt. Từ mức đáy của phiên, Dow Jones đã lấy lại hơn 1.300 điểm trong lúc nhà đầu tư nghiền ngẫm về báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9. S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch với biên độ biến động mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Trong lịch sử của các chỉ số chứng khoán Mỹ, đây là phiên giao dịch có cú đảo chiều nội phiên mạnh thứ 5 của S&P 500 và thứ tư của Nasdaq – theo số liệu của SentimenTrader.

Năng lượng và ngân hàng là hai nhóm cổ phiếu dẫn đầu sự hồi phục trong phiên này. Cổ phiếu hãng dầu khí Chevron tăng 4,85% do giá dầu tăng khá mạnh. Hai cổ phiếu ngân hàng lớn Goldman Sachs và JPMorgan Chase tăng tương ứng 3,98% và 5,56%. Sự đảo chiều chóng mặt từ giảm sang tăng của những cổ phiếu công nghệ lớn như Apple và Microsoft, cùng sự hồi phục của loạt cổ phiếu con chip gồm Nvidia và Qualcomm, cũng góp phần quan trọng đưa thị trường chuyển từ “đỏ” thành “xanh”.

Có vẻ như phiên tăng này là kết quả từ việc nhiều nhà đầu tư đang đặt cược rằng báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo đồng nghĩa tốc độ tăng của giá cả sắp đạt tới mức đỉnh.

“Có thể đây sẽ là lần cuối cùng lạm phát tăng, và từ đây trở đi, chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến sự giảm tốc của lạm phát”, chiến lược gia Liz Ann Sonders của công ty Charles Schwab nhận định với hãng tin CNBC. Tuy nhiên, bà Sonders nói thêm rằng biến động giá cổ phiếu có thể sẽ tiếp tục cho tới khi nhà đầu tư có thêm các số liệu mới về lạm phát và bước vào mùa báo cáo tài chính.

“Tôi cho rằng có nhiều yếu tố có thể đẩy cao sự biến động, và biến động mạnh mẽ trong từng phiên giao dịch đã trở thành bản chất của thị trường ở thời điểm này, bà nói.

Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 9 của nước này tăng 0,4% trong tháng 9 so với tháng trước, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% đưa ra trong cuộc khảo sát chuyên gia của hãng tin Dow Jones. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số tăng 8,2%.

Lạm phát cao dai dẳng có thể đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trở nên cứng rắn hơn trong việc tăng lãi suất và duy trì lãi suất ở mức cao cho tới khi lạm phát giảm nhiệt. Thời gian quan, đây là nguồn áp lực chính khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm.

Thị trường chứng khoán châu Âu và toàn cầu cùng tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,85%, trong khi MSCI All Country World Index của thế giới tăng 1,69% dù có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Thời gian gần đây, thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh vì nhà đầu tư lo ngại rằng các nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái trước khi lạm phát được kiểm soát.

Thị trường dầu thô cũng trải qua một phiên giao dịch đầy biến động, giảm sâu rồi lại tăng vọt.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa với mức tăng 2,3% so với mức chốt của phiên trước, đạt 94,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,1%, chốt ở 89,11 USD/thùng. Trước đó, giá dầu đã giảm khoảng 6% trong 3 phiên đầu tuần này.

Số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) cho thấy tồn kho dầu diesel và dầu sưởi của Mỹ giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/10, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với con số dự báo giảm 2 triệu thùng/ngày mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Giá dầu giảm bất chấp bản báo cáo cũng cho thấy tồn kho xăng tăng 2 triệu thùng và tồn kho dầu thô tăng hơn 10 triệu thùng - đều là những con số tăng lớn hơn dự báo.

“Phần gây lo lắng nhất trong báo cáo của EIA là tồn kho dầu diesel giảm xuống mức rất thấp so với mức trung bình, mà mùa đông lại đang đến”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang chịu áp lực giảm từ mối lo rằng lạm phát cao sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Tư cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái. CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase cảnh báo lạm phát cao dai dẳng có thể khiến Fed tăng lãi suất lên mức cao hơn 4,5%.

IEA giảm nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay về mức 1,9 triệu thùng/ngày. Về năm tới, cơ quan này cho rằng nhu cầu dầu của thế giới chỉ tăng 0,47 triệu thùng/ngày, so với mức dự báo tăng 1,7 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó. Hôm thứ Tư, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

“Triển vọng của sự tăng trưởng bền vững đang ngày càng xấu đi, vì áp lực lạm phát ăn sâu; các ngân hàng trung ương thắt chặt định lượng kết hợp tiếp tục tăng lãi suất; đồng USD giữ đà tăng giá; và chính sách chống Covid của Trung Quốc”, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil nhận định về triển vọng giá dầu.