17:18 12/09/2016

Đường sắt cao tốc: Quốc hội đã bác, có nên đưa vào luật?

Nguyễn Lê

Quốc hội đã bác chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao, nay làm luật thì có trái chủ trương hay không?

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại phiên họp.
Quốc hội đã bác chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao, nay làm luật thì có trái chủ trương hay không?

Câu hỏi này được Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), chiều 12/9.

Dự thảo luật gồm 9 chương, 95 điều, trong đó giữ nguyên 4/114 điều của luật hiện hành, sửa đổi bổ sung 65 điều, bãi bỏ 45 điều và bổ sung mới 26 điều.

Một chương về đường sắt cao tốc

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật dành chương 8 để quy định về đường sắt tốc độ cao.

Chương này bao gồm 5 điều quy định về chính sách phát triển, yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, quản lý, bảo trì, quản lý an toàn và các yêu cầu chung khi đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Lý do đề xuất nội dung này được Chính phủ nêu rõ là theo Chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao. Trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h, đây là công tác chuẩn bị để hoàn thiện và chạy tàu tốc độ ≥ 200 km/h.

Tầm nhìn đến năm 2050 tại chiến lược là phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 milimét trên trục Bắc - Nam, sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác với tốc độ 350 km/h.

Từ những yêu cầu trên, dự thảo luật đề xuất bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ thiết kế ≥ 200 km/h) như đã nói trên.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cơ bản nhất trí với các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao bảo đảm việc triển khai xây dựng trên thực tế các loại đường sắt này theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, ngoài các quy định tại dự thảo, có ý kiến đề nghị cần quy định loại hình công nghệ trong đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao cho thuận tiện trong việc chuyển giao công nghệ, bảo trì, sửa chữa các loại đường sắt này.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh của nhân viên đường sắt; quy định về phương tiện giao thông đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị đáp ứng yêu cầu đặc thù của các loại đường này. Ý kiến  tại cơ quan thẩm tra còn đề nghị cần làm rõ hơn về nguồn tài chính và lộ trình thực hiện; những biện pháp để bảo đảm tính khả thi về đường sắt tốc độ cao

Những ý kiến này, theo cơ quan thẩm tra là xác đáng, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu.

Cần tuyến đường sắt mới

Nhắc lại chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc đã bị Quốc hội khoá 12 bác, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn, Quốc hội chưa có chủ trương mà làm luật thì có trái chủ trương đường lối và quy hoạch chung không?

Không dùng từ "bác", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói năm 2010 Quốc hội chưa thông qua chủ trương làm đường sắt cao tốc và yêu cầu làm rõ một số vấn đề, đặc biệt là hiệu quả và lộ trình đầu tư, phương án huy động nguồn lực, làm rõ phần nào nhà nước đầu tư và phần nào tư nhân tham gia...

Sau đó Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu tiền khả thi, Bộ đã kiến nghị về lộ trình, phấn đấu 2018 sẽ trình và Chính phủ và tổ chức thẩm định lại, nếu thông qua thì sẽ trình sang Quốc hội chủ trương đầu tư trước 2020.

Theo thứ trưởng, đơn vị của Nhật bản vẫn tiếp tục nghiên cứu dự án khả thi, Bộ đang phản biện, cập nhật yêu cầu của Quốc hội, trước 2020 thông qua chủ trương, sau đó xây dựng tuyến thí điểm, làm hai đoạn Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang, sau 2030 thì làm tiếp chứ không làm cả tuyến cùng lúc.

Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, dù các dự án giao thông đường bộ, đường không khác được làm thì với nhu cầu vận tải của những năm tới vẫn cần phải có tuyến đường sắt mới hướng tới tốc độ cao, kết nối bắc - nam. Và có những quy định đặc thù cho đường sắt tốc độ cao thì cần đưa vào đây.

Nghe giải thích, vẫn băn khoăn, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng nói cần phải báo cáo rõ hơn khi thuyết phục Quốc hội, bởi đầu tư cho đường sắt tốc độ cao là rất lớn.