11:52 27/04/2021

FDI thế hệ mới cần là một trong những chiến lược trụ cột

Phúc Minh

Việc đặt vấn đề về FDI thế hệ mới cần là một trong những chiến lược trụ cột của Việt Nam, để tiếp cận được Việt Nam sẽ cần chuẩn bị năng lực mới về nhân lực, kết nối và hạ tầng số

PGS.TS Trần Đình Thiên.
PGS.TS Trần Đình Thiên.

Tại Diễn đàn “Nhịp cầu phát triển 2021” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 26/4, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng hiện nay cả lực, đà và thế đều đã thay đổi đang đặt Việt Nam vào một cách tiếp cận mới về thu hút FDI. Do đó, đặt vấn đề về FDI thế hệ mới là một trong những chiến lược trụ cột của Việt Nam.

COVID-19 BUỘC ĐỊNH HÌNH LẠI CÁC DÒNG ĐẦU TƯ

Đánh giá về tác động của dòng vốn FDI tại Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, FDI là một trong hai động lực ngoại rất quan trọng của sự phát triển kinh tế Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, động lực này không phải lúc nào cũng thuận và phát huy cùng với nội lực tốt, đặc biệt trong thời điểm hiện nay thì cách tiếp cận FDI chắc chắn cũng phải thay đổi.

Theo ông Thiên, yếu tố tác động đến sự thay đổi trong cách tiếp cận FDI trước hết phải kể đến là cuộc cách mạng 4.0, trong đó nhân lõi chính là sự phát triển của kinh tế số. Điều này đang đặt ra xu thế chuyển dịch FDI về mặt công nghệ và sẽ tác động đến lựa chọn của Việt Nam theo cách mới chứ không còn dừng lại ở FDI kiểu cũ nữa.

Việt Nam cũng được đánh giá là một nền kinh tế mở cửa rất rộng, hội nhập sâu khiến các quan hệ, liên kết quốc tế đang có ảnh hưởng rất mạnh, chính cấu trúc này đang dịch chuyển “ghê gớm”, chưa kể các liên kết quốc tế cũng có những thay đổi rất đặc biệt, nhất là xung đột thương mại giữ Mỹ và Trung Quốc đã tác động đến sự dịch chuyển các dòng đầu tư.

“Nếu như 30 năm trước đây, châu Á là điểm thu hút đầu tư của thế giới, thì 3 - 4 năm vừa rồi có sự dịch chuyển bất thường, đặc biệt sự dịch chuyển đầu tư các chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc diễn ra khá mạnh. Yếu tố này đang và tiếp tục diễn ra kết hợp với thu hút đầu tư về công nghệ sẽ tạo thành một cấu trúc cơ bản trong tác động đến tư duy về FDI  cũng như chiến lược thu hút FDI của các quốc gia, nhất là Việt Nam”, ông Thiên nhận định.

Bên cạnh đó, Covid-19 cũng là một yếu tố buộc chúng ta phải định hình lại cách tiếp cận các dòng đầu tư. Covid-19 làm chặn đứt các chuỗi sản xuất, trong khi công nghệ lại giúp con người khắc phục được sự chặt đứt này. Do đó, ông Thiên cho rằng, chính Covid-19 là thời điểm để định hình lại tư duy, chiến lược về FDI, đây là bối cảnh chung của thế giới và đang tác động lớn đến Việt Nam.

“Với Việt Nam, có 3 điểm cơ bản cần đánh giá lại đó là lực, đà và thế đều đã thay đổ. Ba yếu tố này đang đặt Việt Nam vào một lựa chọn khác, một cách tiếp cận FDI khác mà nếu chúng ta bỏ quên việc nhận diện đúng vị thế của mình thì có thể chiến lược FDI sẽ không còn đúng nữa”, ông Thiên nói.

Riêng các địa phương, nhắc lại một trong ba thông điệp cơ bản của Chính phủ là nhấn mạnh đến quyền, trách niệm và vai trò của địa phương trong việc chịu trách nhiệm về sự phát triển của của chính mình, trong đó có trách nhiệm về FDI, ông Thiên cho rằng các lãnh đạo địa phương cũng cần chú ý đến điều này. Đây sẽ là bước định hình để khẳng định tư thế cũng như trách nhiệm của mỗi địa phương trong chiến lược thu hút FDI.

CHUẨN BỊ NĂNG LỰC, THỂ CHẾ ĐỂ ĐÓN FDI MỚI

Cho rằng, Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với những bước chuyển mạnh, vì vậy ông Thiên đánh giá FDI cũng phải là FDI của một thế hệ mới, Việt Nam đi sau nên cơ hội vô cùng lớn để có những bước ngoặt.

“Nếu chúng ta cứ tiếp tục thực hiện các cách thức cũ thì sẽ tiến lên rất chậm, thậm chí tụt hậu. Do đó, tôi cho rằng việc đặt vấn đề về FDI mới phải là một trong những chiến lược trụ cột của Việt Nam.

FDI thế hệ mới thì Việt Nam cần chuẩn bị năng lực mới để tiếp cận được, nếu không chúng ta cứ đưa ra những thông điệp tuyệt vời nhưng không chuẩn bị được năng lực thì lại giống như những năm trước, hiệu quả FDI có nhưng không đạt như mong đợi”, ông Thiên nói và tái khẳng định điều quan trọng nhất là Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để đón dòng FDI vào có lợi nhất cho cả nhà đầu tư và chính mình.

“Chúng ta lâu nay vẫn nói nhà đầu tư nước ngoài rất quý hóa, nhưng cơ bản chủ yếu vẫn là nhà đầu tư nhỏ và vừa với năng lực công nghệ không phải quá cao. Bây giờ chúng ta phải đặt ra khát vọng thu hút đầu tư lớn hơn với những “đại bàng”, mà như thế thì phải có năng lực, thể chế khác. Nếu không Việt Nam vẫn chỉ là môi trường trường đầu tư không rõ ràng, minh bạch và chưa có sự thông thoáng, cởi mở về chính sách”, ông Thiên nêu quan điểm.