07:53 10/11/2023

Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam 2023: Gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc

Chu Khôi

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề chính là nét tinh hoa, khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hoá - xã hội, bản sắc của mỗi quốc gia - dân tộc. Nhằm tôn vinh những giá trị đó, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 được tổ chức từ ngày 9/11 đến 12/11/2023…

Khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam.
Khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam.

Tối 9/11/2023, tại Hoàng thành Thăng Long, Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam đã chính thức khai mạc.

Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cùng các quan khách thực hiện nghi thức dâng hương tại Điện Kính Thiên; tham gia lễ rước Tổ nghề tại một số làng nghề truyền thống Việt Nam; sau đó dự Lễ khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cùng các quan khách dâng hương tại Điện Kính Thiên trước khi Khai mạc Festival Làng nghề.
Chủ tịch Quốc hội cùng các quan khách dâng hương tại Điện Kính Thiên trước khi Khai mạc Festival Làng nghề.

NÉT TINH HOA, TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị cốt lõi thấm đẫm tình đất, tình người. Nếu như các thiết bị điện tử, công nghệ được xem là sự biểu hiện của sự năng động về khoa học - kỹ thuật của các quốc gia, thì các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề chính là nét tinh hoa, khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hoá - xã hội, đậm đà bản sắc của mỗi quốc gia - dân tộc.

Dẫn câu nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định truyền thống yêu nghề, kính nghiệp kêu gọi mỗi cá nhân có trách nhiệm, bổn phận để các sản phẩm làng nghề, tinh hoa Việt càng ngày bay cao, vươn xa. Hàng nghìn làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trải khắp đất nước, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm.

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ với đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo, sự cảm nhận tinh tế vẫn luôn tự tin và tự hào tìm kiếm, chăm chút, tạo dựng những giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa đa dạng, bản sắc văn hoá-xã hội độc đáo, với đôi tay khéo léo, khoa học, sáng tạo sẽ biến thành những sản phẩm có giá trị. Theo đó, cần phải có trách nhiệm và bổn phận làm cho người Việt, tinh hoa Việt bay cao, vươn xa đi khắp muôn nơi, với thông điệp, cùng nhau nâng lưu giá trị Việt, cùng nhau nâng tầm làng nghề Việt, cùng nhau kết nối tinh hoa Việt.

“Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề, lan toả những nét đẹp, giá trị tích cực đến với cộng đồng, cùng bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng người dân nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội là địa phương có tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước và là địa phương phối hợp tổ chức lễ hội. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, nổi bật những sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ, nghệ, chế biến nông sản, thực phẩm...

Nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề nghề truyền thống, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 9 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô. Trong đó, khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Thành phố cũng đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời có nhiều cơ chế để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Cũng tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 cho 44 tác giả.

TINH HOA LÀNG NGHỀ CẢ NƯỚC TỤ HỘI VỀ HOÀNG THÀNH

Song hành với Lễ khai mạc Festival, Ban tổ chức cũng đã nhấn nút khai mạc Hội chợ sản phẩm thủ công mỹ nghệ - OCOP; trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tưng bừng diễn ra. Hội chợ với quy mô 300 gian hàng trưng bày được thiết kế đặc biệt.

Trong đó có 42 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, điển hình: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; gốm Chu Đậu; gốm Bồ Bát làng Bạch Liên, tranh lá Bồ Đề Gia Viễn, gốm, điêu khắc, thêu ren Hoa Lư Ninh Bình; tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đồ đồng Đại Bái Bắc Ninh; đồ đồng Nam Định; trống Đọi Tam Hà Nam; trống lân Năm Mến Long An; nón ngựa Phú Gia Bình Định; tranh đá quý Lục Yên Yên Bái; giỏ tàn ong, giỏ xách, lẵng hoa được đan từ trúc của Bạc Liêu; dệt thổ cẩm Hoa Tiến Nghệ An; dệt thổ cẩm Na Sang II, mây tre đan Nà Tấu Điện Biên; giỏ xách, túi xách, nón đan từ lục bình Hậu Giang; gốm Thanh Hà Quảng Nam, gốm mỹ nghệ Biên Hòa; mây tre đan, dệt thổ cẩm Lâm Đồng; gỗ lũa, đá mỹ nghệ, trầm hương Quảng Nam; mỹ nghệ từ sò ốc Bà Rịa Vũng Tàu, mỹ nghệ đũa đước Cà Mau, mỹ nghệ từ dừa Bến Tre….

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến tham quan một gian hàng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến tham quan một gian hàng.

Để thuận tiện cho khách tham quan giao dịch, gian hàng Hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt. Trong đó, không gian sáng tạo Làng nghề Hà Nội với quy mô hơn 2000m2 trưng bày tương đương 80 gian hàng tiêu chuẩn được thiết kế đặc biệt mang đậm nét truyền thống.

Các gian hàng quốc tế được bố trí tại khu vực trung tâm Hội chợ, với quy mô 20 gian hàng, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ, kết tinh văn hóa của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nước các nước: Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga….

Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 có diện tích 450 m2, tương đương 50 gian hàng. Không gian làng nghề di sản với quy mô 25 gian hàng  trưng bày, giới thiệu kết hợp trình diễn tại chỗ 25 nghề thủ công truyền thống của 19 tỉnh, thành phố đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điển hình như: Nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu và nghề cốm Mễ Trì (tp Hà Nội); Nghề chạm bạc của người Nùng (Hà Giang), nghề mộc Kim Bồng và nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam); nghề làm nón lá Sai Nga (Phú Thọ); nghề dệt chiếu (Đồng Tháp); nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè, Trà Đông (Thanh Hóa); nghề dệt Dèng của người Tà Ôi (tỉnh Thừa Thiên Huế)…. 

Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền có quy mô 150m2 nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền địa phương nhằm tạo cơ hội cho khách hàng đến tham quan, giao dịch và tham gia các hoạt động của Festival.

Cùng với đó, Khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu có quy mô hơn 100m2 được trang trí đặc biệt với các hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam. Ban tổ chức mời một số nghệ nhân tiêu biểu thao diễn tại chỗ một số nghề truyền thống như nghề gỗ mỹ nghệ, nghề thêu, nghề dệt lụa, nghề nón lá, nghề gốm, nghề đồng…