Gánh nợ lớn của công ty mẹ: "Cú sốc" với cổ đông Vinaconex?
Chân dung về một nhà đầu tư tài chính hùng mạnh An Quý Hưng được vẽ ra ngay sau phiên đấu giá đã không xảy ra
Chủ trương thoái vốn nhà nước không chỉ thu tiền về cho ngân sách mà doanh nghiệp phải duy trì phát triển lành mạnh, đóng góp lâu dài cho tăng trưởng đất nước. Song thương vụ thoái vốn 7.400 tỷ đồng lại tạo ra những xáo trộn lớn trong bức tranh tài chính bởi công ty mẹ Vinaconex đang ngập trong nợ lớn.
Như VnEconomy đã đưa tin, Công ty TNHH An Quý Hưng - công ty mẹ của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG), có tổng các khoản nợ phải trả dài hạn vượt 8.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018 trong khi con số đầu năm chỉ là 450 tỷ đồng. Sự gia tăng này trùng khớp với việc An Quý Hưng chi 7.400 tỷ để mua gần 58% cổ phần của Vinaconex từ SCIC cuối 2018.
"Vỡ mộng" về một An Quý Hưng có tài chính hùng mạnh
Trao đổi với VnEconomy ngay sau khi An Quý Hưng trúng đấu giá trong thương vụ 7.400 tỷ, ông Đỗ Trọng Quỳnh, khi đó còn là Tổng giám đốc Vinaconex cho biết đã chuẩn bị sẵn tinh thần rút khỏi công ty. Cả một thời gắn bó với Vinaconex 30 năm, phải rời đi ông Quỳnh nói rất buồn, cũng tâm tư nhưng nghĩ đến việc Vinaconex tốt hơn, phát triển hơn khi có nhà đầu tư mới, thì việc lui về không đáng gì.
"Tôi nghĩ Vinaconex sẽ tốt hơn với nguồn lực lớn của nhà đầu tư mới. Nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của Vinaconex chắc chắn là phải có năng lực tài chính rất lớn. Mong muốn của cán bộ công nhân viên và người lao động Vinaconex là nhà đầu tư mới sẽ sát cánh cùng Vinaconex, xây dựng doanh nghiệp, giữ được giá trị và thương hiệu của Vinaconex. Đồng thời, mong muốn các nhà đầu tư mới sẽ đảm bảo được công ăn việc làm và quyền lợi của cán bộ công nhân viên Vinaconex", ông Quỳnh bày tỏ lúc đó.
Ông nhấn mạnh, cơ cấu, bộ máy hiện nay của Vinaconex cũng là hợp lý và tốt rồi, chỉ cần điều chỉnh một chút, không cần thay đổi quá nhiều.
Chân dung về một nhà đầu tư tài chính hùng mạnh An Quý Hưng được vẽ ra ngay sau phiên đấu giá đã không xảy ra. Bởi ngay sau thương vụ, An Quý Hưng đã phải tìm nhiều công cụ tài chính để "xoay tiền" trong đó có bán nhiều lô đất ở Lê Trọng Tấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 12% trị giá 5.300 tỷ đồng nhưng không nhà đầu tư nào mua.
Đặc biệt, nsau khi An Quý Hưng nắm quyền, Vinaconex có loạt hoạt động tài chính "lạ", cụ thể đã chi tạm ứng 441 tỷ đồng cổ tức cho cổ đông. Trong báo cáo gửi SCIC, cổ đông lớn Cường Vũ và Star Invest cho biết số tiền tạm ứng được chi trong bối cảnh công ty đang cần nguồn vốn để phát triển. "Điều này là trái với quy định. Công ty đã phải vay ngân hàng 300 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức", báo cáo nêu.
Đồng thời, Vinaconex còn lên kế hoạch chi 1.137 tỷ đồng sau đó điều chỉnh xuống 714 tỷ mua cổ phiếu quỹ VCG coi như khoản gửi tiết kiệm với hi vọng bán ra giá 40.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này chưa được Uỷ ban Chứng khoán thông qua.
"Quyết định dùng tiền quỹ đầu tư phát triển chỉ được dùng cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng Hội đồng quản trị có ý định sử dụng đầu tư chứng khoán là hoàn toàn trái với Quy chế tài chính của chính doanh nghiệp", cổ đông Cường Vũ gửi Uỷ ban Chứng khoán đề nghị dừng việc mua cổ phiếu quỹ.
Ngoài ra, Vinaconex còn chi 300 tỷ đồng mua trái phiếu chuyển đổi của một doanh nghiệp đang thua lỗ.
Tính đến cuối năm 2018, An Quý Hưng có nợ dài hạn lên tới 8.000 tỷ đồng. Nếu tính theo mức lãi suất của VPBank năm 2019, mỗi năm An Quý Hưng sẽ phải trả khoảng 500- 600 tỷ tiền lãi. Gánh nặng tài chính đối với công ty mẹ của Vinaconex như vậy, có thể ảnh hưởng đến định hướng chiến lược, phát triển dài hạn của Vinaconex.
"Tôi là cổ đông trên sàn, thực sự rất lo lắng về những thông tin nợ nần của công ty mẹ Vinaconex - được điều hành bởi ông Nguyễn Xuân Tùng sinh năm 1994. Ngay cả Vinaconex - một công ty lớn như vậy mỗi năm cũng chỉ vài trăm tỷ tiền lãi. Nội chiến gay gắt thế làm sao đưa ra các quyết sách đưa công ty phát triển trong bối cảnh ngành xây dựng cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Cổ đông chính điều hành không minh bạch, gây xung đột, giá cổ phiếu xuống, chúng tôi phải trả bằng tiền tươi thóc thật", một cổ đông Vinaconex chia sẻ.
Cuộc "nội chiến" ở Vinaconex do xung đột giữa các nhóm cổ đông không những gay gắt còn có nguy cơ bị kéo dài. Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest - hai cổ đông lớn lần lượt nắm 21,28% và 7,57% tại Vinaconex đã có yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội Đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019. Nhóm cổ đông này lo lắng vì An Quý Hưng có dấu hiệu vì có dấu hiệu rút ruột tài sản công ty để giải quyết bài toán nợ, ảnh hưởng quyền lợi cổ đông khác.
Toà án nhân dân quận Đống Đa quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, bác bỏ đơn yêu cầu của Cường Vũ và Star Invest nhưng lý do đưa ra là hai cổ đông này chưa là cổ đông hơn 6 tháng. Như vậy, các bất đồng, mâu thuẫn vẫn chưa thể kết thúc ngay khi các cổ đông trên đạt điều kiện trên 6 tháng vào cuối tháng 5 này. Càng kéo dài, viễn cảnh càng tệ với Vinaconex.
Hội đồng quản trị tập trung quyền lực lớn
Theo báo cáo gửi SCIC của cổ đông lớn Cường Vũ và Star Invest, trong phiên họp đầu tiên ngày 21/1/2019, các thành viên từ An Quý Hưng đã đề xuất sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị và Quy chế quản lý tài chính. Theo đó, cá nhân Chủ tịch được quyền quyết định mọi giao dịch tới cả ngàn tỷ đồng, Tổng giám đốc quyết tới 500 tỷ đồng mà không cần thông qua Hội đồng quản trị.
So sánh trong các công ty niêm yết, không có công ty nào có quy định như vậy khi tập trung vào quyền quyết định của mỗi cá nhân Chủ tịch và Tổng giám đốc với những giá trị lớn như vậy.
"Hội đồng quản trị đưa ra rất nhiều quyết sách tài chính ngắn hạn nhưng kế hoạch năm 2019 chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 300 tỷ, giảm 50% so với năm 2018. Với tư cách là cổ đông lớn, chúng tôi đặt ra câu hỏi mục đích thật sự của những việc Hội đồng quản trị đang làm. Nếu cứ tiếp tục thì nguồn tài chính của công ty chẳng mấy mà cạn kiệt. Tương lai của công ty, chục ngàn nhân viên, cổ đông sẽ về đâu", báo cáo gửi SCIC nêu.
Một chuyên gia tài chính - doanh nghiệp phân tích, doanh nghiệp muốn phát triển trước hết phải có bộ máy minh bạch, quản lý doanh nghiệp khoa học, phân quyền. Theo nguyên tắc hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải có đầy đủ đại diện của các nhóm cổ đông lớn, không thể một nhóm cổ đông lớn nắm toàn quyền quyết định hết. Như vậy, vô hình chung sẽ đẩy công ty trước những rủi ro tài chính lớn nếu nhóm cổ đông lớn đó thiếu minh bạch.
Ở Vinaconex quyền lực đang tập trung vào nhóm cổ đông An Quý Hưng khi nắm hết các vị trí chủ chốt trong Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và Ban Kiểm soát.
Theo tính toán dựa trên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ cuả Vinaconex, giá đề xuất dự kiến mua căn cứ vào giá mua cổ phiếu VCG của An Quý Hưng, cộng thêm biên độ 5%, cao hơn giá trên sàn vào ngày thông qua quyết định mua tới 20%, tương đương số tiền chênh lệch có thể lên tới 200 tỷ đồng.