Gấp rút khôi phục sản xuất chăn nuôi và thuỷ sản sau thiên tai
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 10.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất nông lâm ngư nghiệp...
Ngày 28/9/2024, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão số 3.
THUỶ SẢN VÀ CHĂN NUÔI THIỆT HẠI HƠN 10 NGHÌN TỶ ĐỒNG
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào nước ta đã gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Sau bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Chỉ riêng nông nghiệp, đã có 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết.
Báo cáo về tình hình thiệt hại đối với ngành chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay khảo sát tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi Bão số 3 cho thấy nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường, và hệ thống điện cung cấp cho các trang trại bị phá hủy, khiến không thể cung cấp điện kịp thời. Tổng thiệt hại gây ra cho ngành chăn nuôi khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.
"Đàn vật nuôi không có mái che, gặp mưa nên chết nhiều. Các trang trại ở vùng ngập lụt không kịp di dời vật nuôi do nước lũ dâng nhanh, dẫn đến thiệt hại lớn về gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các khu vực bị sạt lở, chuồng trại hư hỏng nặng, vật nuôi bị thiệt hại nhiều. Một số vùng còn bị cô lập, cơ sở hạ tầng bị phá hủy khiến việc tiếp cận, đánh giá thiệt hại và thực hiện công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn”, ông Phạm Kim Đăng chia sẻ.
Để ngành chăn nuôi gượng dậy sau bão lũ, ông Đăng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân bị thiệt hại, bao gồm việc giãn, hoãn, giảm thuế, lệ phí; hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cấp vốn vay để khôi phục sản xuất kinh doanh.
"Đây là thời điểm để ngành chăn nuôi chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Thiên tai là rủi ro, nhưng chúng ta có thể coi đó là cơ hội để tái định hướng ngành. Ví dụ như sau dịch tả lợn châu Phi, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà người chăn nuôi cũng đã thay đổi quan điểm về an toàn sinh học. Sau những cơn bão như thế này, chúng ta sẽ rút ra được kinh nghiệm để không chỉ phòng chống mà còn chung sống với thiên tai, nhằm phát triển bền vững", ông Đăng nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho hay tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt khoảng 30.137 ha. Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão là khoảng 6.180 tỷ đồng.
Ông Luân cũng cho biết đã trực tiếp làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để xem xét khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung các gói vay mới nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất thuỷ sản. Đồng thời, kiến nghị các địa phương bị thiệt hại cần khẩn trương huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường ở các vùng nuôi bị ngập lụt. Các biện pháp như sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước tại những vùng bị ô nhiễm cần được thực hiện nhanh chóng.
CẦN NHANH CHÓNG TÁI ĐẦU TƯ, KHÔNG ĐỂ LỠ VỤ SẢN XUẤT
Chia sẻ tại hội nghị, ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Thủy sản Tân An, cho biết với hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển và nhiều năm nuôi trồng thủy sản, chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào khủng khiếp như bão số 3. Công ty Thủy sản Tân An có 2 đơn vị nuôi trồng thủy sản, nhưng sau bão gần như mất trắng. Toàn bộ hệ thống nuôi biển của công ty, với khoảng 4.000 tấn hàu đến độ thu hoạch đã bị trôi mất hoàn toàn, không thể thu hồi.
Về các biện pháp phục hồi sản xuất, ông Dũng nhấn mạnh, điều đầu tiên cần làm là ổn định việc làm cho lao động của công ty. Hiện tại đang là mùa chính thu, sắp bước vào mùa đông, nên sự phát triển của tôm và cá chậm hơn so với vụ xuân - hè. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không tranh thủ thời gian, rất dễ bị lỡ vụ, để càng lâu càng thêm rủi ro.
"Trong bối cảnh này, ai nhanh tay người đó thắng. Người nuôi trồng có thể lựa chọn các sản phẩm ngắn ngày như rong biển hay hàu để khôi phục sản xuất. Thay vì nuôi cá song mất đến 3 năm để thu hoạch, hàu chỉ mất khoảng 6-8 tháng là có thể thu hoạch được", ông Dũng nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết để khôi phục lại sản xuất sau bão lũ, ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 100, phân công các bộ ngành phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để chủ động khôi phục sản xuất nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phục hồi cây trồng, vật nuôi sau bão; chỉ đạo, hướng dẫn, khảo sát thực địa, hỗ trợ các địa phương ổn định dân cư, tái định cư cho nhân dân vùng bị thiệt hại sau bão
"Những khó khăn và thách thức này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng cũng như xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2024. Nhưng nhất định, khó khăn nào cũng phải khắc phục để về đích với các mục tiêu đã đề ra", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Thứ trưởng cho rằng từ nay đến cuối năm, thời tiết sẽ còn nhiều biến động. Các dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm,... vẫn là nguy cơ lớn. Vì vậy, công tác vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học phải được đặt lên hàng đầu, vừa là nhiệm vụ sau bão, vừa là yêu cầu trong hệ thống giải pháp chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 10.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương, tập trung hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; tu sửa, khắc phục đường giao thông, cơ sở y tế, giáo dục, phục hồi sản xuất nông nghiệp, sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn...Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan sớm có ý kiến, phê duyệt để các địa phương tiếp nhận được hạt giống kịp thời đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương khẩn trương, rà soát thống kê đánh giá thiệt hại và thực hiện hỗ trợ ngay cho nhân dân; tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo về khôi phục sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành,
Đồng thời, tích cực giải quyết các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới tại địa phương. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính không quá 1/2 thời gian tối đa theo quy định pháp luật hiện hành.