Giá dầu có tuần tăng mạnh nhất 2 năm rưỡi do căng thẳng Mỹ-Iran
Với mức tăng hơn 9% trong tuần, giá dầu WTI hoàn tất tuần tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm rưỡi
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chốt một tuần tăng mạnh, do nỗi lo Mỹ có thể tấn công Iran, gây gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông - khu vực chiếm hơn 1/5 sản lượng dầu toàn cầu.
"Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran là động lực chính đẩy giá dầu tăng vọt", hãng tin Reuters dẫn một báo cáo của chuyên gia Jim Ritterbusch thuộc Ritterbusch and Associates.
Ngoài ra, giới phân tích nói rằng còn có 3 nhân tố khác hỗ trợ cho sự đi lên của giá dầu thời gian gần đây.
Thứ nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, có thể gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7. Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc sắp nối lại đàm phán thương mại. Và thứ ba, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu sẵn sàng hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng giúp ích cho giá của những tài sản có độ rủi ro cao hơn như dầu thô và chứng khoán.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao sau tăng 0,75 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 65,2 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,6%, chốt ở 57,43 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 5%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp.
Giá dầu WTI tăng hơn 9% tuần này, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2016.
Giá dầu tăng bùng nổ trong phiên ngày thứ Năm - trong đó dầu WTI tăng 5,4% và dầu Brent tăng 4,3% - sau khi Iran bắn rơi một thiết bị bay không người lái (drone) của Mỹ ở khu vực eo biểu Hormuz.
Ngày thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã hủy vào phút chót một kế hoạch không kích Iran nhằm đáp trả vụ việc trên. Tuy nhiên, khả năng Mỹ trả đũa Iran không phải vì thế mà không còn.
Nguồn tin là quan chức Iran nói với hãng tin Reuters rằng Tehran vào đêm ngày thứ Năm đã nhận được một tin nhắn từ ông Trump thông qua Oman cảnh báo rằng một cuộc tấn công của Mỹ vào Iran sắp được tiến hành. Cũng theo nguồn tin, Iran đáp lại rằng bất kỳ một vụ tấn công nào cũng sẽ gây ra những hậu quả lớn trong khu vực và quốc tế.
Nguồn tin nói lãnh tụ tối cao của Iran, giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, phản đối việc đàm phán với Mỹ, nhưng Chính phủ Iran sẽ chuyển thông điệp của ông Trump tới ông Khamenei.
Nhà Trắng cho biết, trong ngày thứ Sáu, ông Trump đã có cuộc trao đổi với thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia về tình hình Trung Đông và thị trường dầu lửa.
Căng thẳng giữa Mỹ với Iran đã liên tục leo thang kể từ khi ông Trump cách đây hơn 1 năm rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký kết với các cường quốc vào năm 2015. Mâu thuẫn bị đẩy lên cao thời gian gần đây sau khi ông Trump siết trừng phạt kinh tế đối với Iran nhằm khiến xuất khẩu dầu của nước này giảm về 0.
Trước vụ bắn rơi thiết bị bay của Mỹ, hai nước đã tranh cãi "nảy lửa" về một loạt vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh. Mỹ cáo buộc Iran và các lực lượng được Iran hậu thuẫn đứng sau các vụ tấn công này, trong khi Tehran phủ nhận.
"Chắc chắn, một sự gián đoạn dòng dầu vận chuyển qua tuyến đường dễ tổn thương này sẽ gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng", công ty tư vấn năng lượng FGE Energy nói trong một báo cáo.
Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã "sáng" hơn trước, nhờ tâm lý ham thích rủi ro gia tăng sau khi nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), cùng phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất. Việc Mỹ-Trung rục rịch nối lại đàm phán thương mại cũng củng cố sự lạc quan về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Bên cạnh đó, đồng USD giảm giá do khả năng FED giảm lãi suất cũng hỗ trợ cho giá dầu, bởi "vàng đen" được định giá bằng đồng bạc xanh.
Trong mấy tuần trước, giá dầu giảm liên tục do nhà đầu tư lo ngại về khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu dưới sức ép của một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Mối lo này đã kéo giá dầu Brent tuột sâu khỏi mức đỉnh 2019 ở 75 USD/thùng thiết lập hồi tháng 4.