Giá dầu thô rớt xuống đáy 3 tháng
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai do tác động của một loạt yếu tố bất lợi
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai do tác động của một loạt yếu tố bất lợi.
Theo tin từ trang Market Watch, những nguyên nhân khiến "vàng đen" rớt giá phiên đầu tuần bao gồm khả năng Mỹ rút dầu từ dự trữ chiến lược; dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy kinh tế toàn cầu giảm tốc; và khả năng Mỹ có một số trường hợp miễn trừ trong vấn đề trừng phạt ngành dầu lửa của Iran.
Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 9 "bốc hơi" 3,49 USD/thùng, tương đương giảm 4,6%, còn 71,84 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 17/4, theo dữ liệu của FactSet.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giảm 2,9 USD/thùng, tương đương giảm 4,2%, còn 68,06 USD/thùng - mức giá chốt thấp nhất kể từ ngày 21/6.
Trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá dầu đã sụt 9%. Hôm 10/7, giá dầu WTI còn đóng cửa ở mức 74,11 USD/thùng.
"Thị trường đang trong thế phòng thủ vì khả năng dầu được rút từ dự trữ toàn cầu", nhà phân tích thị trường cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures Group phát biểu.
Hôm thứ Sáu, tờ Wall Street Journal đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc rút dầu từ dự trữ dầu lửa chiến lược của nước này để giải quyết tình trạng giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, nguồn thạo tin nói rằng nếu diễn ra, việc rút dự trữ dầu lửa chiến lược này sẽ không được thực hiện ngay tức khắc.
Chính phủ Mỹ "đang đối mặt sức ép ngày càng lớn bởi giá xăng tăng cao. Giá xăng trung bình ở Mỹ từ đầu năm đến nay đã tăng khỏng 16%", các nhà phân tích thuộc ING Bank nhận định.
Cũng vào hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói Mỹ sẽ cân nhắc có một số trường hợp miễn trừ trong vấn đề trừng phạt ngành dầu lửa của Iran. Ông Mnuchin nói rằng một số quốc gia sẽ cần thêm thời gian để cắt giảm nhập khẩu dầu lửa từ nước này.
Các nhà giao dịch dầu lửa cũng đang lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu giảm tốc, bởi sự suy giảm tăng trưởng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu. IMF ngày 16/7 nói tăng trưởng đang đi xuống ở khu vực sử dụng đồng Euro, Nhật Bản và Anh, đồng thời cảnh báo rằng căng thẳng thương mại nếu leo thang cao hơn sẽ trở thành mối đe dọa ngắn hạn lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin không mang lại thông tin hỗ trợ nào cho giá dầu. Trước cuộc gặp, thị trường kỳ vọng ông Trump sẽ kêu gọi Nga tăng sản lượng khai thác dầu. Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ông Trump chỉ nói rằng Nga và Mỹ, với tư cách là hai cường quốc dầu lửa, có thể hợp tác để điều tiết thị trường dầu lửa toàn cầu.
Cuối tháng 6, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước đồng minh, gồm Nga, đã nhất trí nâng sản lượng dầu thêm nhiều nhất là 1 triệu thùng/ngày, sau khi hạn chế khai thác kể từ đầu năm ngoái. Sau cuộc họp của OPEC, giá dầu vẫn tăng mạnh do nhiều nhà giao dịch cho rằng mức tăng sản lượng này không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung.
Nhưng gần đây, giá dầu chuyển sang giảm mạnh do thị trường đón nhận nhiều thông tin hơn về sự gia tăng nguồn cung. "Dầu tiếp tục bị bán tháo do thị trường nhận thấy nguồn cung sẽ tăng", nhà phân tích kỹ thuật Fawad Razaqzada thuộc Forex.com phát biểu.
Hoạt động sản xuất dầu của Libya được nối lại sau khi nước này mở cửa trở lại các cảng dầu. Theo ông Razaqzada, nguồn cung dầu của OPEC, nhất là Saudi Arabia, sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Bởi vậy, nhà phân tích này cho rằng giá dầu Brent có thể giảm về ngưỡng 70 USD/thùng, từ mức trên 80 USD/thùng vào tháng trước.
Báo cáo hàng tháng do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Hai dự báo sản lượng của 7 công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất tại nước này sẽ tăng thêm 143.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với mức sản lượng của tháng 7.