Giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất 10 năm qua
Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước…
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu tháng 3/2023 đạt 900 nghìn tấn, giá trị 480 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD. Xuất khẩu gạo quý 1/2023 tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
PHILIPPINES VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ LỚN NHẤT
Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Sở dĩ giá gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản…) có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600 USD/tấn đến 1000 USD/tấn.
Trong quý 1/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt trung bình khoảng 450 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ.
Trên thị trường gạo châu Á, trong đầu của tháng 4/2023, giá gạo xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam hiện dạt lần lượt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm 31/3/2023.
"Indonesia đã trở thành thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất trong quý 1/2023, tăng gấp 3,06 lần so với quý 1 năm 2022.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhìn lại quý đầu năm 2023, Philippines vẫn đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 43,3% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước nước ta. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 3 tháng đạt 608 nghìn tấn và 409 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam. Trong quý đầu năm 2023, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 86% về lượng và tăng 120% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt giá gạo xuất khẩu bình quân sang trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt trung bình 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước,
Theo các doanh nghiệp, thị trường Trung Quốc đã trở nên khó tính, chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, như gạo thơm và gạo nếp. Đó là lý do khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh. Bên cạnh đó, các loại gạo phổ thông và tấm của Việt Nam giá cũng khá cao. Sang đầu quý 2 năm 2023, nhập khẩu gạo từ Việt Nam của các thương nhân Trung Quốc vẫn đang cao, nhất là với gạo nếp và gạo thơm.
Việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023, song Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng thị trường Trung Quốc vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.
Trong quý 1/2023, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philipines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia trong quý đầu năm đạt 286 nghìn tấn, và 136 triệu USD; chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước".
ĐỘT PHÁ TỪ THỊ TRƯỜNG INDONESIA
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý 2/2023 của Việt Nam sẽ tích cực hơn so với quý 1/2023. Về giá, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.
Chẳng hạn, ở thị trường các nước châu Âu, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch là 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Khi doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu theo quy định thì được hưởng ưu đãi với mức miễn thuế là 175 Euro/tấn.
Cùng với đó, các thị trường như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để tăng dự trữ lương thực. Trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại.
Đặc biệt thông tin Indonesia quyết định nhập 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023 nhằm nâng dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như mức dự trữ trước đó, đã khiến thị trường xuất khẩu gạo càng trở nên sôi động.
Theo đó, vào ngày 24/3/2023, Chính phủ Indonesia đã ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo phục vụ dự trữ quốc gia trong năm 2023; trong đó, 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu này sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác. Cơ quan hậu cần quốc gia-Preum Bulog tiếp tục được chỉ định là đầu mối nhập khẩu.
“Indonesia là một trong những thị trường nhập khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam. Các thông tin về động thái chính sách và tình hình sản xuất, thị trường gạo của Indonesia đang tạo ra tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam vào thị trường này. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung sẽ tiếp tục ổn định trong quý 2 do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA nhận định.
Theo ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
"Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức cao, giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới. Trong số 6,5-7 triệu tấn dự kiến xuất khẩu trong cả năm 2023, có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao, sẽ giúp giá xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu tăng cao".
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Với thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật, cho biết theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.
Mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay theo phản ánh, các doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn, đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch vụ Đông Xuân đang đến gần.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, mang về 3,45 tỷ USD. Với việc giá xuất khẩu gạo đang tăng mạnh, hiện ở mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua, VFA cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn nhưng trị giá thu về có thể lập kỷ lục 4 tỷ USD.
Nhằm tận dụng tốt các lợi thế về thị trường đang diễn ra, VFA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.