18:45 26/12/2021

Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc nhưng vẫn lo về giá

Chu Khôi

Năm 2020 lượng xuất khẩu đạt tới 285.292 tấn, nhưng kim ngạch mang về chỉ 660,569 triệu USD. Năm 2021, lượng xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 260.000 tấn, nhưng kim ngạch đã vọt lên 950 triệu USD, giảm khoảng 9% về lượng nhưng tăng 44% về giá trị...

Hồ tiêu được giá.
Hồ tiêu được giá.

Kết thúc năm 2021, ngành hồ tiêu đã dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Nhờ giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu của ngành hồ tiêu đạt cao nhất kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo diễn biến thị trường sẽ rất khó đoán bởi xu hướng giữ tiêu trong dân cũng như giới đầu cơ nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.

PHỤC HỒI TRỞ LẠI SAU 4 NĂM "VẬT LỘN" VỚI KHÓ KHĂN

VPA nhận định, hồ tiêu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu với việc cung cấp 60% nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu của thế giới, bỏ xa các nước xuất khẩu hồ tiêu khác như Brazil, Indonesia… Chất lượng hồ tiêu ngày càng được nâng cao, cơ cấu chủng loại xuất khẩu chuyển dần sang các loại tiêu có hàm lượng chế biến cao thay vì xuất khẩu thô như trước đây.

Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc nhưng vẫn lo về giá - Ảnh 1

Trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu đến hơn 110 quốc gia với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu. Tính đến hết 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 55.602 tấn, tăng 9,6%; tiếp sau là thị trường Trung Quốc, đạt 37.746 tấn, giảm  27,3%.

Ngoại trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm, các thị trường quan trọng khác của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Đông đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

 
Hiện tiêu đen nguyên hạt vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất, nhưng tỷ trọng trong tổng xuất khẩu đã giảm xuống còn 65 - 70% (trước đây đạt khoảng 80%). Thay vào đó, tỷ trọng tiêu đen xay, tiêu trắng và tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng… tăng lên đáng kể.
 Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA)

Theo VPA, giai đoạn 2018-2020 ghi nhận sự gia tăng sản lượng hồ tiêu tại Việt Nam cao nhất từ trước tới nay, tổng sản lượng cả 3 năm đạt 760.000 tấn, tăng 54,5% so với 3 năm 2015-2017. Diện tích hồ tiêu cũng tăng từ 126.000 ha năm 2017 lên 149.000 ha năm 2019 và giảm xuống còn 131.838 ha năm 2020.

Sự gia tăng sản lượng quá lớn này đã khiến giá hồ tiêu xuất khẩu và giá hồ tiêu nội địa liên tục suy giảm từ năm 2017 đến năm 2020, từ mức 200.000 đồng/kg đã xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/kg. Đây là giai đoạn giá tiêu giảm sâu, có thời điểm 35.000 đồng/kg vào năm 2020.

Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của ngành hồ tiêu Việt Nam sau 4 năm vật lộn với khó khăn do nguồn cung dư thừa, giá liên tục lao dốc. Ngay từ đầu năm nay, giá mặt hàng này đã tăng 40 - 44%, từ 51.000 – 53.000 đồng/kg từ giữa tháng 2 lên mức 76.000 – 79.500 đồng/kg vào ngày 19/3 dù đang trong vụ thu hoạch hồ tiêu.

Sau đó đỉnh điểm là đợt tăng giá lên đến 90.000 đồng/kg vào cuối tháng 10, mức cao nhất kể từ cuối năm 2017. Mức giá ở thời điểm hiện tại cao hơn 53 – 54% so với đầu năm nay và cao hơn nhiều những năm gần đây, chấm dứt chuỗi giảm giá trong 4 năm liên tiếp và báo hiệu một chu kỳ tăng giá mới của ngành hồ tiêu.

Nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu tăng mạnh trong năm qua là diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp trong những năm trước, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, số khác chuyển sang các loại cây trồng khác. Sản lượng hồ tiêu năm 2021 ước đạt 180.000 tấn, giảm 25% so với năm 2020 và dự kiến tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2022.

Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc nhưng vẫn lo về giá - Ảnh 2

DỰ BÁO GIÁ HỒ TIÊU SẼ VẪN Ở MỨC CAO TRONG NĂM 2022

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), việc giá hồ tiêu xuống thấp trong những năm trước khiến người trồng tiêu tại Việt Nam cũng như một số nước sản xuất khác dừng mở rộng diện tích, giảm chăm sóc cây tiêu, một số phá bỏ tiêu để trồng loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu trên thế giới đang có xu hướng phục hồi trở lại. Riêng tại Mỹ, thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, lượng hồ tiêu nhập khẩu của nước này từ năm 2019-2021 tăng trưởng bình quân 8%/năm. Trong đó, 65-70% được nhập khẩu từ Việt Nam.

 
Dự báo về tình hình xuất khẩu hạt tiêu trong năm tới, VPA cho rằng sẽ tăng cao ngay trong quý 1/2022 với nhu cầu thu mua trên thế giới ước tính từ 130.000 - 160.000 tấn, trong khi tổng sản lượng thu hoạch của Việt Nam cả năm chỉ khoảng 150.000 tấn.

Hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hồ tiêu cũng đều có chung kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 do cung – cầu hồ tiêu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.

Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu của Việt Nam.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang hầu hết thị trường trong khối này như: Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha... đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm 2021.

 Còn với riêng thị trường Trung Quốc, ngoại trừ sự sụt giảm trong năm nay thì mỗi năm nước này đều nhập khẩu trên 50.000 tấn hồ tiêu từ Việt Nam.

Cùng với yếu tố cung – cầu, chi phí sản xuất tăng cao, nhất là phân bón, xăng dầu, giá cước vận chuyển…, cũng là những yếu tố làm tăng giá hồ tiêu trong năm 2022.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường cũng được cho là sẽ rất khó đoán bởi xu hướng giữ tiêu trong dân cũng như giới đầu cơ nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm 2022.

Số liệu về xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy, ngành hàng này vẫn còn nhiều bấp bênh và bất cứ sự gia tăng nào về nguồn cung trong tương lai cũng có thể dẫn đến nguy cơ sụt giảm về giá.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để duy trì được mức giá cao trong những năm tiếp theo, việc kiểm soát sự gia tăng về nguồn cung là một trong những yếu tố then chốt.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm tiến hành rà soát lại diện tích, sản lượng hồ tiêu trên cả nước và đánh giá lại thực trạng ngành hồ tiêu. Đồng thời, nông dân cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, có đầu ra bền vững.

Thực tế ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ không lo về giá cả và đầu ra khi luôn được các đối tác nước ngoài thu mua với giá cao hơn so với tiêu sản xuất thông thường. Bởi vậy, cần thúc đẩy tăng diện tích canh tác hồ tiêu hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cũng là điều mà ngành hồ tiêu cần chú trọng trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA)

Năm 2021, giá xuất khẩu tiêu tăng là do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, chất lượng hạt tiêu được đảm bảo nên trong năm qua số lần bị khiếu nại về vấn đề dư lượng hóa chất tồn dư giảm nhiều so với các năm trước. Trong thời gian tới, ngành hồ tiêu phải đẩy mạnh xây dựng vùng trồng tiêu hữu cơ bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất hồ tiêu GlobalGAP, VietGAP... trong sản xuất, chế biến tiêu.

Đặc biệt, nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải liên kết giải quyết cơ bản vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất trong hồ tiêu mà các nước tiêu dùng đang cấm để nâng cao chất lượng hồ tiêu xuất khẩu. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu chế biến chất lượng cao, như: tinh dầu tiêu, tiêu trắng từ tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu xay bột, các sản phẩm gia vị từ tiêu, tiêu sạch, đóng gói xuất thẳng vào hệ thống bán lẻ toàn cầu, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ hồ tiêu chất lượng cao như châu Âu, Mỹ...